Ở vùng Đơn Dương (Lâm Đồng) có một trang trại lan vũ nữ trị giá cả triệu đô được trồng theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng tới 3 ha.
Làm mãi vẫn nghèo, bỏ rau trồng lan
Trước khi diện kiến nông trại lan vũ nữ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, ông Nguyễn Đình Tịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, khai quát với chúng tôi: Đó là một trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên tiến, hiện đại và điển hình bậc nhất tại địa phương.
Theo giới thiệu của người đứng đầu thị trấn này thì vườn lan vũ nữ “dữ dằn” lắm.
Quả thực, từ phía xa xa đã thấy những dãy nhà kính kiên cố, rộng thênh thang, trải dài tít tắp nổi bật giữa một cánh đồng bằng phẳng. Bà Nguyễn Thị Nhung tiếp chuyện chúng tôi trong sự vội vã, vì những cuộc điện thoại của các đối tác đặt hàng.
Một góc trang trại lan vũ nữ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung. Ảnh: Thạch Thảo |
Trước đây, gia đình bà Nhung, cũng như hầu hết những gia đình ở vùng nông nghiệp Đơn Dương, chuyên trồng rau, củ, quả. Nghịch cảnh nhà nông được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ lặp đi lặp lại như “vòng kim cổ” không thể nào thoát ra được. Vợ chồng con cái làm lụng vất vả mà vẫn nghèo, bà Nhung bàn với chồng chuyển sang trồng hoa lan vũ nữ, với kỳ vọng hướng tới thị trường xuất khẩu, làm chủ đầu ra.
Gom tất cả số tiền tích cóp được sau những năm làm rau, thế chấp sổ đỏ, vay mượn thêm của người quen, gia đình bà Nhung quyết định làm “cuộc cách mạng” về chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
“Đây là quyết định rất khó khăn, rất mạo hiểm, vì từ trước tới giờ tại địa phương chưa ai trồng loại hoa này cả. Khả năng thất bại không phải là nhỏ,",. bà Nhung cho biết.
Đưa lan vũ nữ Lâm Đồng xuất ngoại
Thế nhưng, bây giờ, nhà nông này đã trở thành bà chủ của một trang trại lan vũ nữ rộng tới 3 ha trong nhà kính. Bên trong nhà kính, những vạt hoa lan vũ nữ vàng rực được đặt trên những giàn giá thể.
Nhà trồng lan của bà Nhung được trang bị hệ thống tưới phun sương, quạt tạo gió công suốt lớn. Toàn bộ mặt đất được trải một lớp bạt nhựa sạch sẽ. Ngoài mái che bằng nilon để ngăn chặn các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài, gia đình bà Nhung còn dùng một lớp lưới đen bên dưới, để hạn chế bớt ánh sáng mặt trời và hơi nóng vào mùa nắng nóng, giữ ấm khi gặp thời tiết trở lạnh.
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, sinh trưởng trong môi trường thuận lợi mà lan vũ nữ của gia đình bà Nhung phát triển rất nhanh. Thị trường tiêu thụ loại hoa này tương đối ổn định, nên từ vài sào lan vũ nữ ban đầu, vợ chồng bà Nhung nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất, lập thành trang trại.
Bà Nhung kể, để thành công được với nghề trồng lan vũ nữ không phải là dễ. Chỉ riêng việc làm chủ kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cũng đã là một vấn đề lớn.
“Nếu không có kiên trì và quyết tâm cao, chắc vợ chồng tôi đã phải bỏ cuộc từ những lần vấp ngã đầu tiên rồi", bà Nhung chia sẻ.
Để nắm phần thắng, gia đình bà Nhung thuê một kỹ sư chuyên lo việc chỉ đạo kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Hiện cứ cách một vài tháng bà Nhung lại cho nhân giống lan vũ nữ ra trồng ở một khu vực mới, tạo nên các lớp kế tiếp nhau, liên tục cho ra sản phẩm để không bị đứt quãng nguồn hàng.
Mỗi gốc lan vũ nữ ở đây thời điểm bình thường được bán với giá trung bình 300.000 đồng, nếu cắt cành xuất bán trong nước giá giao động 80.000 đồng/bó. Vào dịp lễ, tết, giá lan vũ nữ tăng khá cao.
Gần đây, sản phẩm lan vũ nữ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung không còn dừng lại ở thị trường nội địa mà bắt đầu vươn xa bằng những chuyến suất ngoại cả container sang Singapore. Doanh thu mỗi năm từ trang trại lan vũ nữ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung lên tới cả chục tỷ đồng.