Theo Business Insider, trong những năm gần đây, Trái Đất tự quay nhanh hơn và một ngày dần ngắn lại. Sự thay đổi này diễn ra rất nhỏ khiến chúng ta không thể cảm nhận. Tuy nhiên, nếu xu hướng này tiếp tục về lâu dài, đồng hồ nói chung sẽ phải điều chỉnh lại.
Theo Time and Date, trong năm 2020, có 28 ngày phá kỷ lục ngày ngắn nhất kể từ khi đồng hồ nguyên tử được phát minh vào thập niên 1960. Theo đó, 19/7/2020 là ngày ngắn nhất, bởi Trái Đất hoàn thành xong một vòng nhanh hơn 1,4602 mili giây so với mức bình thường.
Thực tế, đây không phải hiện tượng bất thường, vì vòng quay hành tinh chúng ta luôn thay đổi một chút do hoạt động của áp suất khí quyển, gió, dòng hải lưu và chuyển động của lõi Trái Đất.
Sự thay đổi trong tốc độ quay của Trái Đất chỉ mới được phát hiện sau khi con người phát minh ra đồng hồ nguyên tử vào thập niên 1960. Ảnh: USA Today. |
Để xác định độ dài mỗi ngày trên Trái đất, các nhà khoa học tại Cơ quan Quan sát Trái Đất quay (IERS) đo thời điểm chính xác một ngôi sao cố định đi qua một vị trí trên bầu trời. Họ biểu thị phép đo này là Giờ quốc tế, sau đó so sánh với Giờ nguyên tử, một thang đo thời gian được tính bằng đồng hồ nguyên tử siêu chính xác. Từ đó, người ta có thể biết tốc độ quay Trái Đất đang lệch bao nhiêu so với chuẩn.
Những năm trước đây, tốc độ quay Trái Đất chậm lại khiến cứ mỗi một năm rưỡi, các nhà khoa học lại điều chỉnh Giờ Phối hợp Quốc tế tăng thêm một “giây nhuận”. Từ thập niên 1970 đến nay, đã có 27 giây nhuận được thêm vào.
Tuy nhiên, tháng 7/2020, IERS thông báo không có "giây nhuận" nào được thêm vào bởi Trái Đất đã quay nhanh hơn. Trong năm 2021, Trái Đất vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng này, khiến năm nay trở thành năm ngắn nhất, đồng hồ nguyên tử bị lệch đi 19 mili giây.
Độ dài trung bình của một ngày là 86.400 giây, nhưng trung bình một ngày thiên văn vào năm 2021 sẽ ngắn hơn 0,05 mili giây. Do đó, nhà khoa học đang cân nhắc có nên thêm một “giây nhuận âm”, tức trừ một giây thay vì cộng vào.
Nhà vật lý Peter Whibberley thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia ở Anh cho rằng việc thêm vào giây nhuận âm là cần thiết nếu Trái Đất tiếp tục quay nhanh, nhưng còn quá sớm để nói liệu điều này có thể xảy ra hay không.
Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST), giây nhuận có ưu lẫn khuyết điểm. Chúng giúp đảm bảo các quan sát thiên văn được đồng bộ hóa với thời gian trên đồng hồ, nhưng giây nhuận cũng có thể gây rắc rối cho một số ứng dụng định vị và cơ sở hạ tầng viễn thông.
Năm 2012, sau khi một giây nhuận được thêm vào, các phần mềm, trang web như Mozilla, Reddit, LinkedIn…đều báo cáo các sự cố sập mạng. Hệ điều hành Linux gặp rất nhiều vấn đề, trong khi các chương trình vi tính viết bằng ngôn ngữ lập trình Java đều trục trặc.
Một số nhà khoa học tại IERS gợi ý để khoảng cách giữa thời gian thiên văn và thời gian nguyên tử lệch đến khi cần một "giờ nhuận", điều này giảm thiểu sự gián đoạn cho các cơ sở hạ tầng viễn thông.
Một nghiên cứu năm 2015 công bố trên Science Advances cho thấy nóng lên toàn cầu có thể là lý do đằng sau việc Trái Đất thay đổi tốc độ quay. Khi các sông băng tan chảy, khối lượng được phân bố lại khiến Trái Đất dịch chuyển và quay nhanh hơn trên trục.