Các nhà thiên văn học tin rằng trong giai đoạn đầu sau khi hình thành, Trái Đất đã va chạm với thiên thể có kích thước như Hỏa tinh tên là Theia. Vụ va chạm diễn ra cách đây 4,5 tỷ năm tạo ra một vùng lớn mảnh vụn xung quanh Trái Đất, sau đó bồi tụ để hình thành Mặt Trăng.
Sự va chạm của Trái Đất và tiểu hành tinh Theia. Ảnh: NASA. |
Theo The Next Web, các nhà nghiên cứu tại Đại học Durham (Anh) đã mô phỏng diễn biến vụ va chạm trên siêu máy tính. Họ đã xem xét một loạt điều kiện từ vận tốc của Theia, góc va chạm, tốc độ quay của tiểu hành tinh, phân tích trường hợp Theia không quay cho đến quay nhanh, từ va chạm nhẹ đến tác động trực diện.
Điều thú vị là khi mô phỏng với điều kiện Theia không quay, vụ va chạm đã hình thành một vệ tinh có khối lượng khoảng 80% Mặt Trăng.
Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả trong một số thử nghiệm, giữa vành đai của những tàn tích, họ đã tìm thấy khối vật chất lơ lửng có khối lượng gần bằng Mặt Trăng, chứa khoảng 1% sắt giống như Mặt Trăng.
Khi "Mặt Trăng trẻ" đi vào quỹ đạo quanh Trái Đất, nó sẽ hút các mảnh vỡ từ không gian xung quanh để lớn hơn. Vệ tinh tự nhiên này như một lõi sắt, hút các vật chất từ vụ va chạm của Theia và Trái Đất sơ khai.
Ảnh mô phỏng quá trình có thể là sự hình thành của Mặt Trăng. Ảnh: Sergio Ruiz-Bonilla. |
“Thật thú vị khi vài tình huống mô phỏng cho thấy khối vật chất quay theo quỹ đạo này có kích thước gần bằng Mặt Trăng, cộng thêm vành đai của các vật chất sau khi va chạm sẽ giúp khối này lớn hơn theo thời gian... Tôi không nói đây là Mặt Trăng, nhưng chắc chắn nó là một điểm thú vị để tiếp tục tìm hiểu”, Tiến sĩ Sergio Ruiz–Bonilla tại Đại học Durham cho biết.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục mô phỏng, kiểm tra khối lượng, vận tốc, độ xoáy và các yếu tố khác của vụ va chạm có thể ảnh hưởng thế nào đến việc hình thành Mặt Trăng.