Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái Đất nóng lên khiến băng Nam Cực còn 'siêu mỏng'

Nghiên cứu mới cho thấy băng ở biển Nam Cực đang biến mất nhanh gấp 5 lần so với những năm 1990, đe dọa làm tăng mực nước biển và nhấn chìm nhiều thành phố trên thế giới.

Nghiên cứu về dữ liệu vệ tinh mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters so sánh chiều cao của các tảng băng từ năm 1992 đến năm 2017 và cho thấy băng ở Nam Cực đang biến mất vô cùng nhanh chóng. 

Guardian trích dẫn nghiên cứu cho biết biển Nam Cực nóng lên khiến các tảng băng trượt xuống biển ngày càng nhanh. Băng đang biến mất với tốc độ nhanh gấp 5 lần so với những năm 1990.

Dải băng ở Tây Nam Cực vốn khá ổn định vào năm 1992, nhưng hiện nay khoảng 1/4 diện tích của dải băng này đang mỏng đi. Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hơn 100 m độ dày băng đã tan chảy.

Nếu dải băng Tây Nam Cực biến mất hoàn toàn, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 5 mét, nhấn chìm các thành phố ven biển trên khắp thế giới.

bang tan o Nam Cuc anh 1
Băng ở Nam Cực đang biến mất với tốc độ nhanh chóng. Ảnh: PA.

Các nhà khoa học cho biết hiện nay, thiệt hại do băng tan đang tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Mực nước biển hiện dâng lên đến mức cao nhất so với dự báo được đưa ra chỉ vài năm trước.

Giáo sư Andy Shepherd, thuộc Đại học Leeds ở Anh, người chủ trì nghiên cứu, cho biết "từ những năm 1990, lớp băng bắt đầu mỏng đi trên diện rộng suốt 25 năm qua. Điều này từng xảy ra do tác động của địa chất, nhưng giờ đây là do con người".

"Suốt quãng đường dài 3.000 km tại Tây Nam Cực, nước biển tiếp xúc với các tảng băng quá nóng, khiến mặt dưới của tảng băng, chỗ tiếp xúc với đáy biển, tan chảy. Hiện tượng này làm giảm ma sát và khiến tảng băng sau đó trượt xuống biển nhanh hơn", giáo sư Shepherd phân tích.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã nhận thức được rằng băng ở Tây Nam Cực đang biến mất, tuy nhiên nghiên cứu mới chỉ ra chính xác khu vực và tốc độ băng tan. Điều này giúp thực hiện các dự báo chính xác hơn khi nước biển dâng và có thể hỗ trợ chuẩn bị ứng phó.

Nếu không cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải carbon, băng tan và nước biển sẽ tiếp tục dâng trong hàng nghìn năm, nghiên cứu cảnh báo.

"Trước khi có thể sử dụng phương pháp phân tích hình ảnh từ vệ tinh, hầu hết nhà nghiên cứu đều nghĩ rằng các dải băng ở vùng cực không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Giờ đây chúng tôi biết rằng thực tế không phải như vậy", ông Shepherd nói. 

Băng Greenland tan nhanh gấp 6 lần, làm tăng mực nước biển toàn cầu

Các nhà khoa học nhận thấy diện tích các dải băng tại Greenland ngày một giảm với lượng băng tan chảy vào đại dương nhanh chưa từng thấy trong gần nửa thế kỷ qua.

Băng tan để lộ nhiều thi thể nhà leo núi trên đỉnh Everest

Những người tổ chức thám hiểm đỉnh Everest đang phát hiện nhiều thi thể của những nhà leo núi xấu số trước đây, khi nhiệt độ cao khiến băng tan trên đỉnh núi cao nhất thế giới.


Hương Ly

Bạn có thể quan tâm