Hạn hán ở Syria là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy. Ảnh: AFP |
Hôm 30/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 rằng, việc hội nghị diễn ra tại Paris là hành động cho thấy cộng đồng quốc tế không sợ chủ nghĩa khủng bố. Trước đó, hôm 23/11, tổng thống Pháp cũng khẳng định cuộc chiến chống khủng bố không thể tách rời cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
"Tôi không thể tách cuộc chiến chống khủng bố với nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Đây là hai thách thức toàn cầu mà chúng ta phải giải quyết. Chúng ta phải để con của chúng ta sống trong một thế giới không còn nỗi sợ hãi, chúng ta nợ thế hệ sau một hành tinh không còn tai ương. Hòa bình thế giới phụ thuộc vào các cuộc đàm phán trong khuôn khổ COP21", ông Francois Hollande nói.
Bill Nye cảnh báo rằng biến đổi khí hậu liên quan trực tiếp tới chủ nghĩa khủng bố. Ảnh: AP |
Bill Nye - một diễn viên nổi tiếng, nhà khoa học, người dẫn chương trình phổ biến kiến thức trên truyền hình, nhà văn, kỹ sư cơ khí - từng nói về biến đổi khí hậu trong một cuốn sách mới mang tên Unstoppable. Ông đã bày tỏ quan điểm với Huffington Post về mối quan hệ giữa chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu.
"Bạn có thể lập luận rằng biến đổi khí hậu chẳng liên quan trực tiếp tới chủ nghĩa khủng bố. Nhưng thảm kịch tại Paris mới chỉ là sự khởi đầu của một tình trạng tồi tệ. Chúng ta để biến đổi khí hậu diễn ra càng lâu thì hoạt động khủng bố sẽ càng nhiều", ông nói.
Để chứng minh, Nye lấy cuộc khủng hoảng thiếu nước tại Syria làm một ví dụ. Giới khoa học từng khẳng định tình trạng lượng nước ngọt giảm tại Syria là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo Nye, do thiếu nước, hoạt động nông nghiệp đình đốn, buộc thanh niên ở vùng nông thôn tới đô thị và những vùng đông dân để tìm cơ hội việc làm. Đương nhiên, cơ hội không mỉm cười với tất cả dân di cư. Một bộ phận thanh niên từ nông thôn không thể tìm việc làm nên mất lòng tin đối với xã hội, hệ thống chính trị và nền kinh tế.
"Những đối tượng như thế sẽ trở thành mục tiêu lý tưởng của những kẻ tuyển người cho tổ chức khủng bố. Và bạn thấy nhiều thanh niên từ khắp thế giới tập trung tại Paris để bắn dân thường", Nye nói.
Đồng quan điểm với Nye, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng nhận định biến đổi khí hậu là nhân tố dẫn tới xung đột bạo lực và các hoạt động khủng bố, CNN đưa tin. Theo họ, tình trạng trái đất ấm lên là mối đe dọa an ninh lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt. Các nhà lãnh đạo cảnh báo rằng hạn hán, bão và mọi dạng thiên tai khác sẽ trở nên đáng sợ hơn bởi biến đổi khí hậu.
Ông Bernie Sanders, thượng nghị sĩ Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Bernie Sanders, thượng nghị sĩ Mỹ đang chạy đua vào ghế tổng thống, cũng tuyên bố biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố hoành hành vì nó gây bất ổn ở những khu vực từng hứng chịu lũ, hạn hán và các dạng thiên tai khác.
"Nếu lũ, hạn hán và các dạng thiên tai khác tăng do hiệu ứng nhà kính, người dân trên khắp thế giới sẽ phải tranh giành nguồn tài nguyên giới hạn. Khi không có đủ nước và đất để canh tác, con người buộc phải tranh giành những vùng đất có thể giúp họ tồn tại. Thực trạng ấy sẽ dẫn tới xung đột quốc tế", ông phát biểu trong chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS.
John Sutter, một nhà báo gạo cội của CNN, lại cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu chính là một dạng khủng bố. Ông cho rằng nhân loại đang chứng kiến vô số biểu hiện của biến đổi khí hậu.
"2015 sẽ là năm nóng nhất mà giới khoa học từng ghi nhận. Một đợt nắng nóng ở Ấn Độ khiến 2.300 người chết trong mùa hè năm nay. Ô nhiễm không khí đang cướp nhiều sinh mạng. Những trận lụt tại Mỹ có thể trở nên nguy hiểm hơn do thủy triều đang cao hơn mức bình thường. Người ta cũng có bằng chứng cho thấy một đợt hạn hán ở Syria đã giúp tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy", Sutter lập luận.
Mặc dù vậy, theo Sutter, nhân loại lại đang phớt lờ những vấn đề dài hạn mang tính toàn cầu.
"Chúng ta chỉ chú ý tới những hiện tượng diễn ra ngay trước mắt chúng ta", ông nói.