Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái Đất ấm lên liên quan gì việc Texas lạnh kỷ lục?

Cơn bão mùa đông Uri, quét qua Texas và một số vùng của Mexico, đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Nhiệt độ giảm mạnh khiến Texas trải qua đợt lạnh chưa từng có.

Tổng thống Biden ngày 20/2 phê duyệt tuyên bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng đối với bang Texas, mở khóa đợt hỗ trợ liên bang lớn hơn cho Texas khi nhiệt độ giảm xuống từ -2 độ C đến -22 độ C.

Thời tiết băng giá đã khiến ít nhất 70 người chết trên toàn quốc. Theo NPR, việc thiếu điện để vận hành các nhà máy xử lý nước đồng nghĩa với việc khoảng 7 triệu người dân Texas phải sử dụng nước bị ô nhiễm.

Tính đến ngày 18/2, Axios báo cáo rằng gần 2 triệu ngôi nhà trên khắp Texas đã được khôi phục điện, mặc dù khoảng 325.000 người dân Texas vẫn không có điện.

Carbon Brief, trang tin chuyên về môi trường và biến đổi khí hậu có trụ sở tại London, đã tổng hợp cách báo chí và các chuyên gia phản ứng lại trước đợt lạnh bất thường của Texas, mối liên đới của nó đến ngành công nghiệp năng lượng khổng lồ của bang này và cả mối liên hệ có thể với biến đổi khí hậu và việc Trái Đất nóng lên.

Phân tích mới công bố của NASA cho biết 2020 đã trở thành 1 trong 2 năm nóng nhất lịch sử, cùng với năm 2016. Bảy năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại đều là từ 2014 đến nay, theo Guardian, trong khi 10 năm nóng nhất đều diễn ra trong 15 năm qua. Trái Đất đã trải qua 44 năm liên tiếp với nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20.

bao tuyet,  Joe Biden,  Texas,  My anh 1

Người dân đi nhận nước cứu hộ do nguồn nước bị ô nhiễm ở Texas. Ảnh: ABC News.

Nguyên nhân thời tiết cực lạnh

Đợt thời tiết lạnh giá mạnh tại Texas đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ thấp trên khắp miền Trung nước Mỹ.

Mô tả Texas là "vùng không trên mặt đất", Washington Post đưa tin rằng toàn bộ tiểu bang "lần đầu tiên" được đặt trong "cảnh báo bão mùa đông" ngày 14/2.

“Những cảnh báo nói rằng băng và tuyết mở rộng vào ngày 15/2, bao phủ toàn bộ Arkansas và hầu hết Louisiana, Mississippi, phía tây và bắc Alabama, đồng thời mở rộng về phía đông bắc qua phần lớn thung lũng Tennessee, Ohio, và nội địa đông bắc”, Washington Post miêu tả đợt lạnh của nước Mỹ, nói thêm rằng Texas hiện là "vùng số không" của đợt thời tiết khắc nghiệt.

Bão tuyết gây ra bởi không khí lạnh giá đã quá giới hạn thông thường của nó ở Bắc Cực. Điều này có thể được nhìn thấy từ hình ảnh đồ họa của NASA vào ngày 15/2, cho thấy khối không khí dưới 0 độ C đang đi về phía nam từ Bắc Cực.

bao tuyet,  Joe Biden,  Texas,  My anh 2

Hiện tượng gió lạnh di chuyển từ Bắc Cực xuống phía Nam. Ảnh: NASA.

Trong suốt mùa đông, không khí lạnh ở Bắc Cực thường được giữ lại bởi một hình thái hoàn lưu áp suất thấp được gọi là "xoáy cực tầng bình lưu" (tên phổ biến hơn trên báo chí là "xoáy cực"). Một đặc điểm của hệ thống này là sự hoàn lưu của các luồng gió mạnh từ tây sang đông ở tầng bình lưu (có thể cao đến 50 km) được gọi là “tia đêm vùng cực”.

"Tia đêm vùng cực" này sẽ khóa không khí lạnh lại trong "xoáy cực tầng bình lưu".

Luồng gió mạnh này thường thổi song song với dòng phản lực - một dòng không khí chảy nhanh lên cao trong tầng đối lưu (tầng thấp nhất của khí quyển, tính từ bề mặt đến khoảng 20 km).

Tuy nhiên, nếu vòng xoáy cực tầng bình lưu bị phá vỡ, nó có thể suy yếu, đảo ngược hướng và thậm chí tách thành hai. Điều này có thể gây ra hiện tượng nóng lên đột ngột ở tầng bình lưu (SSW) trong đó không khí tràn xuống ở Bắc Cực, gây ra sự tăng vọt nhiệt độ ở tầng bình lưu.

"Đợt lạnh hiện tại của Texas được gây ra bởi sự nóng lên nhanh chóng của tầng bình lưu. Được gọi là SSW, nó khiến cho vòng xoáy bình lưu - một vòng khí lạnh bao quanh cực - yếu đi, làm giảm khả năng giam cầm khí lạnh ở trên cao. Điều này khiến khí lạnh đổ về phía nam và khí nóng chạy về phía bắc, gây ra mức nhiệt thấp bao phủ các khu vực vốn nóng của nước Mỹ", Washington Post miêu tả.

Liên quan ra sao đến biến đổi khí hậu?

Các sự kiện nóng lên đột ngột ở tầng bình lưu (SSW) vốn là hiện tượng tự thời tiết bình thường, tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng tần suất xuất hiện "trạng thái xoáy yếu" vào mùa đông đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Nghiên cứu cho thấy rằng sự nóng lên toàn cầu, thông qua tác động của nó đối với sự suy giảm băng ở biển Bắc Cực, có thể đóng một vai trò nào đó.

Đây là một trong những cách mà Bắc Cực ấm lên nhanh chóng có liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở các vĩ độ trung bình.

"Dù việc nhiệt độ tăng toàn cầu là hậu quả được biết đến nhiều nhất của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, ngày càng có nhiều bằng chứng liên hệ thời tiết lạnh ở miền Trung nước Mỹ với điều kiện nóng lên nhanh chóng ở Bắc Cực", theo Los Angeles Times.

Cố vấn an ninh nội địa Nhà Trắng Liz Sherwood-Randall nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo qua điện thoại:

“Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đang trải qua trên khắp miền Trung, miền Nam và bây giờ là miền Đông Mỹ một lần nữa chứng minh rằng biến đổi khí hậu là có thật và nó đang diễn ra ngay bây giờ. Chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng để đối phó với nó”.

Tiến sĩ Judah Cohen, Giám đốc dự báo theo mùa tại viện Nghiên cứu Khí quyển và Môi trường, nói với Guardian rằng các sự kiện ở Mỹ trong tuần này “không thể phủi tay như thể nó là điều diễn ra hoàn toàn tự nhiên”, đồng thời nói thêm rằng “điều này đang xảy ra, một phần là do biến đổi khí hậu”.

Cohen giải thích với tờ báo rằng sự ấm lên nhanh chóng ở Bắc Cực, được gọi là "Khuếch đại Bắc Cực", đang ảnh hưởng đến cả dòng phản lực và xoáy cực.

Ông nói: “Năng lượng thoát ra từ dòng phản lực đập vào xoáy cực nên nó bắt đầu chao đảo và di chuyển khắp nơi”. Ông chia sẻ thêm “xoáy cực đi đến đâu thì không khí lạnh đi theo đến đó”.

bao tuyet,  Joe Biden,  Texas,  My anh 3

Khu phố Blanco Vista ở San Marcos phủ đầy tuyết sau khi hệ thống thời tiết mùa đông lớn gây mất điện khắp Texas. Ảnh: Texas Tribune.

Tiến sĩ Marshall Shepherd của Đại học Georgia nói với hãng tin AP rằng một cơn lốc xoáy yếu hơn “tạo cơ hội cho không khí lạnh giá ở Bắc Cực đi ra 48 [bang]”.

Không phải tất cả các nhà khoa học đều bị thuyết phục bởi các giải thích trên. Một số nhà khoa học cảnh báo rằng cần cẩn thận khi liên hệ một hiện tượng thời tiết cụ thể đơn lẻ với việc nóng lên toàn cầu.

“Các mô hình máy tính không cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa tần suất tràn xoáy cực và biến đổi khí hậu, nhưng một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mùa đông ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn khi Bắc Cực ấm lên”, New York Times đưa tin.

Theo Washington Post, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã cho thấy những đợt lạnh “ngày càng trở nên hiếm và ít nghiêm trọng hơn” trong khi “các đợt nắng nóng trở nên phổ biến và dữ dội hơn nhiều”.

“Trung Mỹ hiện là khu vực lạnh giá bất thường nhất trên hành tinh với một số khu vực có nhiệt độ thấp hơn 10 độ C so với mức trung bình. Tuy nhiên, khí hậu toàn cầu đang ôn hòa một cách bất thường. Năm 2020 ngang bằng với kỷ lục trước đó về năm ấm nhất được ghi nhận”, tờ báo này viết.

Tranh cãi của giới cầm quyền về cơn bão

Texas được coi là trung tâm của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch Mỹ. Những ngày gần đây, việc bão tuyết càn quét bang này đã khiến những người hoài nghi về biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo có những phát ngôn đổ lỗi vô căn cứ.

Bất chấp sự đảm bảo từ nhà điều hành lưới điện của bang rằng các vụ mất điện là do thiếu sót trong cơ sở hạ tầng khí đốt, các chính trị gia bảo thủ, bao gồm cả nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Crenshaw và các cơ quan truyền thông cánh hữu đã nhanh chóng đổ lỗi cho tuabin gió.

bao tuyet,  Joe Biden,  Texas,  My anh 4

Một nhóm công nhân của Oncor Electric Delivery đi khôi phục nguồn điện cho một vùng lân cận sau cơn bão đi qua Texas vào ngày 18/2, ở Odessa, Texas. Ảnh: NBC.

The Wall Street Journal, một tờ báo được biết đến với những quan điểm nghi ngờ biến đổi khí hậu, chỉ trích rằng năng lượng tái tạo là nguyên nhân dẫn đến mất điện và lên án việc loại bỏ khí ga tự nhiên và than. Trang này kết luận ở một bài viết khác rằng tình hình ở Texas là kết quả của “chính sách năng lượng tồi tệ” và đặc biệt là việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo.

“Các chính trị gia không quan tâm đến độ tin cậy của lưới điện cho đến khi mất điện. Trong ba thập kỷ, các chính trị gia của cả hai bên đã thúc đẩy trợ cấp cho năng lượng tái tạo khiến lưới điện kém ổn định hơn”, Wall Street Journal viết.

Guardian, tờ báo cánh tả, viết rằng trong khi một số tuabin gió bị đóng băng, phát hiện của Hội đồng Tin cậy Năng lượng Texas (ERCOT) rằng sự cố trong các hệ thống khí đốt tự nhiên, than đá và năng lượng hạt nhân là nguyên nhân gây ra "số lần mất điện gần gấp đôi so với năng lượng tái tạo".

Cây viết bình luận Helaine Olen tại Washington Post nói rằng “thảm họa khí hậu Texas (sẽ) dẫn đến một thỏa thuận xanh mới” vì nó “chứng minh chính xác lý do tại sao chúng ta cần chính phủ hành động quyết liệt về vấn đề khí hậu và cơ sở hạ tầng”.

Một câu chuyện trang bìa cho Economist đã xem xét tình hình đang diễn ra ở Texas, kết luận rằng “Mỹ cần lưới điện sạch hơn và lưới điện đáng tin cậy hơn”.

Tờ báo này liên kết các vụ mất điện với các kế hoạch lớn hơn nhằm phục vụ mục đích đại tu hệ thống năng lượng của Mỹ được đưa ra trước Quốc hội trong vài tháng tới và mục tiêu của ông Biden về một hệ thống điện khử cacbon vào năm 2035:

“Sẽ không bao giờ có cơ hội tốt hơn để ông Biden thể hiện tham vọng thực sự. Nếu tình trạng mất điện ở Texas tạo ra tiền đề cho thay đổi lớn, thì không chỉ thế giới sẽ biết ơn ông ấy mà cả người Mỹ nữa”.

Thiếu nguồn cung điện và sản xuất năng lượng

Reuters đưa tin ngày 15/2 rằng giá bán buôn điện tại Texas đã “tăng vọt hơn 10.000%”, một phần do nhu cầu tăng cao khi người dân phải cố gắng giữ ấm và một phần do điều kiện khắc nghiệt khiến các đơn vị phát điện ngừng hoạt động.

Theo Financial Times, đối mặt với viễn cảnh "hóa đơn tăng vọt", một số nhà bán lẻ điện thậm chí còn khuyến khích khách hàng đi tìm chỗ khác.

Theo Texas Tribune, ERCOT cho biết nguyên nhân chính của sự cố mất điện có thể là do các nhà cung cấp khí đốt của bang. Nhiều nhà cung cấp “không thiết kế để các thiết bị hoặc quá trình sản xuất chịu đựng nhiệt độ thấp như vậy”.

Ngày 18/2, Reuters đưa tin rằng tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez đã yêu cầu người tiêu dùng sử dụng ít điện hơn để giúp khắc phục tình trạng thiếu khí hóa thạch nhập khẩu từ Texas.

Texas mất điện, hàng loạt nhà máy bán dẫn ngừng hoạt động

Bão tuyết gây mất điện tại Texas (Mỹ) khiến hàng loạt nhà máy bán dẫn của Samsung và các tập đoàn công nghệ khác tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng tới nguồn cung chip toàn cầu.

Người hùng ở Texas giữa băng tuyết tử thần

Bang Texas trải qua cơn bão tuyết lịch sử khiến người dân lao đao. Chủ một phòng trưng bày nội thất biến cửa hàng của mình thành nơi trú ngụ và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng.

Thanh Lam

Bạn có thể quan tâm