Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái chủ của Tân Hoàng Minh lấy lại tiền thế nào?

Sau khi bị hủy bỏ giao dịch, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền cho trái chủ trong vòng 60 ngày. Tập đoàn này khẳng định sẽ trả tiền lại cho trái chủ theo quy định.

Ngày 4/4 vừa qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với giá trị trên 10.000 tỷ đồng của 3 công ty thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Nhóm doanh nghiệp này bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt; Công ty CP Cung điện Mùa Đông và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil. Đây đều là các công ty chưa đại chúng, đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.

Vấn đề khiến dư luận quan tâm là khi các lô trái phiếu do nhóm doanh nghiệp này phát hành bị Ủy ban Chứng khoán hủy bỏ, nhà đầu tư đã mua trái phiếu sẽ lấy lại tiền như thế nào.

Các bước để nhà đầu tư lấy lại tiền

Khung pháp lý xử phạt trong vụ việc này được quy định tại Nghị định 156/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 128/2021. Cụ thể, hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật có thể bị phạt tiền 400-500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục còn có buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua, tiền cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền.

Thời hạn thu hồi chứng khoán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này.

Với trường hợp của Tân Hoàng Minh, do bị xử phạt từ cơ quan quản lý nên việc buộc doanh nghiệp mua lại trái phiếu là của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có tiền để mua lại đủ số lượng trái phiếu đã phát hành, hoàn tiền cho nhà đầu tư hay không lại là vấn đề khác.

Tan Hoang Minh bi huy bo 10.000 ty dong trai phieu anh 1

Nếu Tân Hoàng Minh không có đủ tiền mua lại trái phiếu, doanh nghiệp sẽ buộc phải xử lý tài sản bảo đảm, bên bảo lãnh thanh toán theo quy định. Ảnh: Việt Linh.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC, việc buộc một doanh nghiệp thu hồi trái phiếu đã phát hành nghe thì lạ nhưng đã xảy ra nhiều trước đó và sự kiện Tân Hoàng Minh lần này cũng sẽ được giải quyết như những vụ trước.

“Để dễ hình dung là thay vì phải đợi 5-7 năm khi trái phiếu đến hạn thì toàn bộ trái phiếu này sẽ đến hạn ngay và doanh nghiệp buộc phải mua lại, hoàn tiền cho nhà đầu tư, kể cả tiền lãi”, ông Đức cho hay.

Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết trong trường hợp của Tân Hoàng Minh, hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu này đã được giao dịch và giá trị rất lớn, nếu để xử lý từ từ thì doanh nghiệp có thể xử lý được, còn nếu buộc thu hồi ngay thì rất khó.

Cần có bản án để hủy bỏ trái phiếu đã phát hành

Một chuyên gia khác (đề nghị giấu tên) cũng cho biết trong trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp sẽ buộc phải mua lại toàn bộ trái phiếu đã phát hành cho nhà đầu tư gồm cả tiền gốc và lãi.

Trường hợp doanh nghiệp không thể xoay tiền, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu sẽ được mang ra xử lý.

“Trường hợp xấu hơn khi doanh nghiệp không có tiền trả thì phải mở thủ tục phá sản. Khi đó, việc trả nợ sẽ thực hiện theo thứ tự ưu tiên, gồm thanh toán các khoản thuế và phải nộp Nhà nước; lương cho người lao động; phải trả nhà cung cấp; trả nợ ngân hàng và sau đó mới là khoản nợ trái phiếu”, vị chuyên gia chia sẻ.

Tan Hoang Minh bi huy bo 10.000 ty dong trai phieu anh 2

Trường hợp của Tân Hoàng Minh thuộc diện buộc thu hồi trái phiếu đã chào bán theo quy định tại Nghị định 156/2020 được sửa đổi, bố sung tại Nghị định số 128/2021. Ảnh: Việt Linh.

Vị chuyên gia cũng cho biết nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ, vì vậy nhiều khả năng các trái chủ của Tân Hoàng Minh sẽ phải tự đòi lại tiền của mình.

Chia sẻ thêm về sự việc này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc Ủy ban Chứng khoán hủy bỏ các trái phiếu phát hành của Tân Hoàng Minh cũng chưa phù hợp.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bố sung tại Nghị định số 128/2021, hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, cụ thể là trong việc phát hành trái phiếu, nếu không cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 209, Bộ luật Hình sự năm 2015, thì không thuộc trường hợp nào trong 2 trường hợp bị đình chỉ chào bán chứng khoán và hủy bỏ chào bán theo Luật Chứng khoán năm 2019.

Trường hợp này, nếu muốn hủy bỏ việc phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh thì phải theo bản án hay quyết định của toà án hoặc trọng tài, cơ quan khác có thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên một tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ.

Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

Tân Hoàng Minh khẳng định các đợt phát hành này đều được tư vấn phát hành, tư vấn định giá và quản lý tài sản đảm bảo theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, được thực hiện bởi các công ty chứng khoán, ngân hàng uy tín trên thị trường.

Doanh nghiệp cho biết đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn luật và các bên liên quan để rà soát lại toàn bộ hồ sơ phát hành trái phiếu của 9 đợt phát hành như công bố của cơ quan Nhà nước.

Trường hợp có lô trái phiếu phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, Tân Hoàng Minh sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng theo đúng quy định pháp luật.

Ai sở hữu trái phiếu Tân Hoàng Minh?

Chính Tân Hoàng Minh và một số công ty chứng khoán đang đại diện sở hữu cho các nhà đầu tư mua trái phiếu nhóm Tân Hoàng Minh.

Tân Hoàng Minh nói có thể trả lại tiền cho khách hàng mua trái phiếu

Tập đoàn này khẳng định sẽ làm việc với các bên liên quan để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm