Làng Trạch Xá (Ứng Hòa) cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km nổi tiếng với nghề may áo dài. Tuy nhiên, ít ai biết người cắt tỉa tạo mẫu chủ yếu là đàn ông.
Khi nhắc đến may vá, người ta thường nghĩ đó là công việc của chị em phụ nữ. Nhưng tại làng Trạch Xá, một quy tắc bất di bất dịch, đó là chỉ truyền nghề cho con trai.
Lý giải về điều này, cụ Nguyễn Văn Nhiên (84 tuổi) - người gắn bó với nghề lâu nhất trong làng (65 năm) kể ngày trước dân làng phải mang tay nghề đi khắp nơi để tìm việc bởi nếu chỉ quanh quẩn trong làng thì không biết may áo cho ai. "Đường xa, đi lại vất vả, con gái không theo được nên chỉ có đàn ông đi hành hương kiếm sống”, cụ Nhiên nói.
Hơn nữa, theo người dân Trạch Xá, áo dài do nam giới thiết kế đẹp hơn so với phụ nữ làm.
Chỉ cần một tay nải trong có cái thước, cái kéo, cái vạch cùng cây kim, sợi chỉ là họ có thể làm được nghề này ở khắp mọi nơi.
Trẻ em trong làng ngay từ khi lên 5-6 tuổi đã được tiếp xúc với đường kim mũi chỉ. Để học được nghề thành thạo các thợ may cũng mất thời gian từ 3-5 năm.
Bé Tạ Văn Thành (12 tuổi) được bố mẹ dạy may áo dài từ một năm nay. Em đã biết may những đường chỉ điêu luyện.
Ngày nay, nền kinh tế có nhiều đổi khác, người dân Trạch Xá không phải tha phương tứ phía mới kiếm được việc. Nhiều đơn đặt hàng từ mọi nơi đã đổ về làng. Vì thế, bất cứ ai có nhu cầu đều được học nghề. Theo thống kê có gần 90% số người làm may vá trong làng là đàn ông.
Chị Đoàn Thị Sự cùng chồng mở một hiệu may tại nhà. Hàng tuần, chị lên chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp để tìm nguồn vải, còn thợ đứng may chính vẫn là anh chồng của chị.
Mỗi chiếc áo dài người may nhận được 150.000 - 200.000 đồng tùy loại. Một thợ cứng có thể may 4-5 chiếc áo dài một ngày.
Thời điểm người dân Trạch Xá nhộn nhịp may áo dài là vào tháng 8, tháng 9 âm lịch do nhu cầu cưới hỏi, lễ tết tăng cao. Nhiều gia đình thức đêm để làm việc kịp đến hạn trả khách.
Tuy nhiên, do có tính chất mùa vụ nên người dân nơi đây vẫn làm nông là chính bởi nếu chỉ trông chờ vào nghề “bắc nước chờ gạo người” như thế này không đủ sống.
Theo anh Lê Văn Mạnh với hơn 25 năm trong nghề, việc khó nhất và cũng là dễ nhất trong các công đoạn may áo dài đó là khâu tay dọc để tạo sự mềm mại, thướt tha cho áo dài.
Một thợ lành nghề sẽ phải mất đến 5-10 năm để thành thạo việc này.
Bên cạnh đó, việc đo, cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết quan trọng để làm nên những chiếc áo dài đẹp.
Ngoài việc may áo, anh cũng nhận dạy nghề cho các bạn trẻ với mong muốn sẽ giữ gìn được bản sắc của làng. Theo anh, phải thực sự yêu nghề mới gắn bó được với công việc này.
Từ 2025, ôtô vận chuyển khách theo hợp đồng không được nhận khách lẻ, không được gom, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký, không ấn định lịch trình cố định.