Sáng 11/3, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Buôn Đôn tổ chức lễ cúng bến nước và lễ cúng sức khỏe cho voi tại bến nước Bay Rong thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn. |
Lễ cúng bến nước là một trong những phong tục tập quán lâu đời của đồng bào Tây Nguyên nói chung và là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người M’Nông nói riêng. Dẫn đầu đoàn dâng lễ là già làng Y Hăn và những người có uy tín trong làng dâng các lễ vật lên thần linh. |
Trong lễ cúng bến nước, thầy cúng sẽ là người chủ trì lễ cúng với lễ vật cúng là: rượu cần, heo quay, gà và các lễ vật khác. |
Đối với người dân tộc M'Nông nói riêng hay các dân tộc tại Tây Nguyên rượu cần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đám đình của làng. |
Các trai gái trong làng mặc những trang phục truyền thống nhảy múa bên tiếng cồng chiêng. |
Bến nước Bay Rong là nơi sau mỗi lần đi săn voi tù trưởng đến đây làm lễ tế thần nước để cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt. |
Già làng Y Hăn và những người có uy tín trong buôn thực hiện nghi thức cúng bến nước. |
Già làng Y Hăn đọc những lời khấn, cầu mong thần nước mang nước, nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng… |
Lễ hội thu hút hàng trăm du khách cùng người dân trong làng tham gia. |
Cùng với lễ cúng bến nước thì voi là một biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên. Sức mạnh của voi là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, của gia đình với buôn làng. |
Trong Lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là người giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của buôn làng. Lễ cúng được coi là sang trọng và tươm tất khi gia chủ làm trâu ăn mừng, bình thường là heo, nếu không cũng phải là gà… tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của chủ voi. |
Sau lễ khấn, từng chú voi được các nài voi điều khiển tiến lại gần chủ lễ để chủ lễ đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc cho voi luôn khỏe mạnh. |