Trong hồi ký của mình, tựa đề Sông Thames và Tôi, Nhật hoàng Naruhito nhớ lại một lần bị ngăn không cho vào quán bar vì mặc quần jean, khi còn là sinh viên ở Đại học Oxford những năm 1980.
Có lẽ đó không phải là sự ngăn cản mà ông Naruhito, khi đó là thái tử Nhật Bản, thường gặp. Nhưng như ông viết trong hồi ký, hai năm ông học ở trường Merton, nghiên cứu về giao thông đường thủy trên sông Thames, có lẽ là “thời gian đẹp nhất trong cuộc đời”.
Ngày 22/10, ông chính thức đăng cơ, trở thành nhà vua thứ 126 của Nhật, trong một nghi lễ mà nhiều khách cao cấp từ các nước, bao gồm phó chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Hàn Quốc, tới dự (nhưng họ chỉ theo dõi qua video từ một phòng bên cạnh).
Trong hồi ký, Nhật hoàng Naruhito gọi hai năm học ở Anh là “thời gian đẹp nhất trong cuộc đời”. Ảnh: Getty. |
Quy tắc nghiêm ngặt của hoàng gia Nhật
Hoàng gia Nhật Bản là nơi nghi thức và sự trang trọng được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Hồi ký của ông Naruhito về thời gian sống ở Anh đã không được xuất bản, vì Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản, cơ quan quyết định cách hành xử của hoàng gia, sợ rằng cuốn hồi ký sẽ gây nhiều bàn tán.
Cơ quan này làm mọi cách để giữ hình ảnh cho hoàng gia. Khi Thái tử Fumihito cưới năm 1990, một nhiếp ảnh gia đã bị cung điện cấm chỉ vì chụp bức ảnh rất tự nhiên, trong đó cô dâu đang gạt lọn tóc vướng vào mắt của thái tử. Điện hoàng gia chỉ muốn các bức ảnh theo đúng khuôn mẫu.
Báo chí Nhật Bản đa phần tôn trọng ranh giới đối với hoàng gia. Chỉ báo chí nước ngoài mới công khai các diễn biến về gia đình nhà vua, như việc Thái tử Naruhito đính hôn năm 1993, hay chứng bệnh trầm cảm của vợ ông vào năm 2004, mặc dù phóng viên Nhật Bản đều biết thông tin.
Một mặt, báo chí Nhật Bản không khai thác các chuyện tình cảm, “thâm cung bí sử” của hoàng gia Nhật như báo lá cải Anh viết về Điện Buckingham. Nhưng mặt khác, công chúa hay hoàng hậu lại thường bị chỉ trích nếu thiếu sót trong nghĩa vụ hoàng gia.
Nhật hoàng Naruhito (phải) và Hoàng hậu Masako. Báo chí Nhật Bản đa phần tôn trọng hoàng gia, không đi sâu khai thác chuyện riêng tư của họ. Ảnh: Reuters. |
Ngai vàng Hoa cúc của hoàng đế Nhật Bản được cho là đã kéo dài 2.600 năm nay. Nhưng dù có bề dày lịch sử như vậy, các hoàng đế Nhật thường không nắm quyền lực. Điều hành đất nước ngày này qua ngày khác trong hầu hết lịch sử là các chính quyền quân sự. Trong thời hiện đại, quyền lực thuộc về các chính phủ dân sự, theo trang Conversation.
Hoàng gia Nhật thay đổi lớn sau Thế chiến II. Sau khi Nhật bị đánh bại, dưới áp lực của quân đồng minh, Nhật hoàng Hirohito buộc phải tuyên bố hoàng gia Nhật không có nguồn gốc thần thánh. Hiến pháp Nhật năm 1947, đa phần là do quân Mỹ viết nên, khiến hoàng gia Nhật chỉ còn vai trò nghi lễ.
So với các hoàng gia khác, hoàng gia Nhật dường như có ít tài sản hơn. Đa số tài sản hoàng gia đã bị tịch thu sau Thế chiến II. Cung điện, đất đai của hoàng gia do nhà nước sở hữu và chi trả cho hoạt động, bảo trì.
Vì vậy, hoàng gia Nhật chỉ đóng vai trò thực hiện các nghi lễ, vốn được các quan chức lên kế hoạch chi tiết từng phút một. Các phát biểu của hoàng gia được kiểm soát chặt chẽ để không vượt quá giới hạn do hiến pháp đặt ra. Họ cũng công du nước ngoài và đến thăm trường học, các tổ chức tình nguyện trong nước.
Tuy nhiên, những người theo khuynh hướng truyền thống coi công việc chính của nhà vua là người thực hiện các nghi thức Thần đạo. Chẳng hạn, tháng sau, ông sẽ dâng gạo từ hai vùng của Nhật Bản (được một tu sĩ chọn dựa vào các vết trên mai rùa) lên các vị thần để cảm ơn họ vì vụ mùa thu hoạch. Nhà vua cũng sẽ phải tự trồng lúa, tất nhiên là với sự trợ giúp của những người làm vườn hoàng gia.
Hoàng hậu Masako tài giỏi, nhưng "kiệt sức" vì áp lực
Về phần mình, công việc của Hoàng hậu Masako bao gồm chăm sóc những con tằm của hoàng gia, cho chúng ăn lá dâu, và lắp những cọng rơm để chúng nhả tơ cuốn quanh. Cả nhà vua và hoàng hậu đều sáng tác những bài thơ cổ điển để đọc trước hoàng gia.
Liệu Nhật hoàng Naruhito có mong muốn và có khả năng hiện đại hóa hoàng gia hay không là điều còn chưa rõ. Ông thường bảo vệ vợ mình sau khi bà bị chê trách vì sai lệch nhỏ so với quy tắc hoàng gia, chẳng hạn như nói dài hơn chồng trong một cuộc họp báo chung, hay bước đi trước chồng trong một sự kiện.
Bà Masako (phải) từng bị chê trách vì những sai sót nhỏ đối với quy tắc hoàng gia. Ảnh: Reuters. |
Bà Masako không giống bất kỳ hoàng hậu nào trong lịch sử Nhật. Bà là con gái một nhà ngoại giao và thành thạo vài ngôn ngữ. Bà tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1985 với bằng kinh tế, sau đó học luật ở Đại học Tokyo. Năm 1987, bà trở thành một trong số chỉ ba phụ nữ - trong tổng cộng 800 người - đậu kỳ thi đầu vào của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, theo Conversation.
Thái tử Naruhito cầu hôn ba lần trước khi bà Masako nhận lời vào năm 1993 - quyết định buộc bà phải từ bỏ sự nghiệp ngoại giao.
Đó là một thay đổi lớn đối với bà. Là vợ của thái tử, bà chịu áp lực phải sinh con trai. Bà cũng bị kiểm soát trong việc ra nước ngoài, thậm chí là việc đi lại nói chung.
Năm 2001, 8 năm sau khi cưới, bà Masako sinh con gái. Sau đó, bà biến mất trong một thời gian dài. Theo các bác sĩ, bà gặp phải "rối loạn thích nghi" với hoàng gia - mà một số nhà quan sát coi là chứng trầm cảm.
Ông Naruhito cũng phá vỡ truyền thống hoàng gia khi lên tiếng về sự vất vả của bà khi vào làm con dâu của hoàng gia. Ông từng thừa nhận rằng bà Masako “đã kiệt sức hoàn toàn” vì cố gắng làm quen với cuộc sống trong cung điện, nơi mà bà phải kìm nén tính cách của mình, theo Economist.
Cha của ông, Thái thượng hoàng Akihito, cũng là một người phá vỡ truyền thống. Ông chống lại những lễ nghi cổ hủ một cách kín đáo. Ông là vị nhật hoàng đầu tiên lên truyền hình phát biểu, ngay sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Sau đó, ông đến thăm nhà một số người vô gia cư, uống trà cùng họ.
Nhật hoàng Akihito cũng đặt dấu hỏi, một cách kín đáo, về việc Thủ tướng Shinzo Abe muốn sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, theo hướng cho phép quân đội lớn mạnh hơn.
Theo hiến pháp Nhật, nhà vua là “biểu tượng của nhà nước và sự đoàn kết người dân”. Nhưng “cái kén” hoàng gia đang kiểm soát ông chặt đến mức khiến nhà vua trở thành một di sản của quá khứ. Cũng giống cha mình, Nhật hoàng Naruhito khá thoải mái khi đi khắp đất nước, tới thăm các học sinh và vuốt ve vật nuôi của các gia đình.
Nhưng giới trẻ Nhật dường như không mấy hứng thú với hoàng gia, nơi có quá nhiều ràng buộc khiến hoàng gia khó giúp ích được cho người dân, Economist bình luận.
Giới trẻ Nhật dường như không mấy hứng thú với hoàng gia. Ảnh: Reuters. |