Có giao dịch, có thu phí!
Đến hạn trả nợ nhưng đang bận công tác, anh Quảng Thanh Nguyên (TP.HCM) tới chi nhánh Techcombank tại Đồng Tháp nộp tiền trả nợ. Thế nhưng anh Nguyên rất bất ngờ khi bị chi nhánh này thu 22.000 đồng phí cho giao dịch nộp tiền trả nợ vay, được giải thích là phí “nộp tiền mặt vào tài khoản”. Anh Nguyên bức xúc phản ứng khi cho biết trong hợp đồng tín dụng đã ký với Techcombank (phòng giao dịch Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM) có quy định người vay được trả nợ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tại bất kỳ điểm giao dịch nào thuộc hệ thống ngân hàng này.
Nhiều chủ thẻ ATM bức xúc cho rằng trong khi chất lượng chưa được cải thiện, các loại phí đang là gánh nặng của người sử dụng dịch vụ này. |
“Tôi cố gắng giải thích không có nhu cầu thực hiện nộp tiền vào tài khoản để trả nợ mà chỉ có nhu cầu “nộp tiền tại quầy để trả nợ”, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các nội dung đã quy định trong hợp đồng tín dụng tôi đã ký với ngân hàng”, anh Nguyên nói.
Nhân viên giao dịch giải thích vòng vo một hồi rồi lại nói đây là phí “nộp tiền liên chi nhánh”, đồng thời cho biết nếu như không muốn bị thu phí thì hằng tháng anh Nguyên phải đến trả nợ tại chính nơi mình đã vay ban đầu là phòng giao dịch Trần Hưng Đạo. Không đồng ý, anh Nguyên gọi điện trực tiếp cho nhân viên quản lý khoản vay thì được cho biết thu phí như vậy là đúng theo quy định của Techcombank. “Tôi cảm thấy hết sức vô lý, khoản vay mua nhà trả góp của tôi có thời hạn đến 20 năm, chẳng lẽ trong ngần ấy năm để không bị thu phí thì dù có đi đâu về đâu, cứ đúng ngày trả nợ hằng tháng tôi phải đến đúng nơi tôi đã vay ban đầu để trả nợ mới được?”, anh Nguyên nói.
Nhiều khách hàng giao dịch ở Ngân hàng Đông Á cũng cho biết gần đây họ bị thu thêm phí nộp tiền mặt vào tài khoản là 0,055% trên số tiền rút, tối đa là 990.000 đồng.
Theo các nhân viên giao dịch, việc thu phí khách hàng nộp tiền vào tài khoản ở quầy nhằm khuyến khích khách hàng nộp tiền mặt trực tiếp tại ATM của ngân hàng, phía ngân hàng cũng tiết kiệm được các công đoạn kiểm đếm. “Điều này rất mâu thuẫn với mục đích hạn chế thanh toán bằng tiền mặt”, một khách hàng của ngân hàng này bức xúc.
Chị Vân, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở quận Bình Thạnh, cho biết trong một giao dịch qua Ngân hàng Đông Á gần đây, chị còn bị thu “phí sử dụng tiền từ tài khoản” là 22.000 đồng, trong khi hằng tháng chị vẫn phải đóng phí quản lý tài khoản 32.000 đồng, chưa kể khi sử dụng thêm dịch vụ gì thì trả phí. “Sử dụng tiền từ tài khoản của mình mà cũng bị tính phí thì thật không hiểu nổi”, chị Vân thắc mắc.
Ngân hàng tận thu khách hàng?
Nhiều chủ thẻ cũng bức xúc cho rằng trong khi chất lượng dịch vụ vẫn chưa được cải thiện như cam kết thì gánh nặng phí ngày càng nhiều.
Chị Lưu Mai (quận Phú Nhuận) cho biết gần như giao dịch nào trên thẻ cũng bị tính phí, như phí chuyển khoản trực tuyến 3.300 đồng/lần cùng ngân hàng, khác ngân hàng 11.000 đồng, phí duy trì tài khoản, phí ngân hàng trực tuyến, phí nhắn tin SMS, phí thẻ tín dụng, phí gửi bảng sao kê, nói chung là đủ thứ phí... Tại ngân hàng mà chị Mai đang giao dịch, mỗi lần rút trên máy chỉ được từ 3,5 triệu đồng, phí là 1.100 đồng. Do công ty chị làm việc có trụ sở ở Hà Nội, mở tài khoản trả lương cho nhân viên qua ngân hàng nên hễ cần tiền vào ngân hàng rút là chị Mai bị tính thêm phí... vì khác thành phố.
Bên cạnh nhiều loại phí khách hàng phải trả cho các tiện ích thì cũng có nhiều loại phí khách hàng bị thu mà không hiểu vì sao, nhất là với dịch vụ tài khoản tiền gửi.
Gần đây, Eximbank thông báo sẽ thu phí quản lý tài khoản cá nhân 11.000 đồng nếu số dư tiền gửi bình quân hằng tháng dưới 100.000 đồng, kỳ thu phí đầu tiên là ngày 10/9.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Techcombank cho biết khoản phí mà anh Nguyên đề cập là phí nộp tiền mặt khác tỉnh thành nơi mở tài khoản theo quy định giao dịch tiền mặt tại quầy, được áp dụng trong mọi trường hợp, kể cả trả tiền vay. Chỉ khi giao dịch tại các chi nhánh cùng địa phương mới không tính phí.
Về trường hợp chị Vân, đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết 22.000 đồng trên là phí sử dụng tiền đối với khách thực hiện chuyển khoản sau khi nộp tiền mặt vào tài khoản trong vòng hai ngày. Phí cũng chỉ tính trên số tiền khách hàng nộp vào. “Đây thực chất là phí ngân hàng thu cho việc thực hiện kiểm đếm và quản lý tiền mặt, được hầu hết ngân hàng áp dụng”, vị này giải thích.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, việc khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt là điều cần thiết, hơn nữa cả người thụ hưởng dịch vụ và ngân hàng đều hưởng lợi. Tuy nhiên, các ngân hàng cần tính toán lại các khoản phí, bởi việc “tận thu” tất cả dịch vụ, trong đó có những dịch vụ lẽ ra khách hàng đương nhiên được hưởng, sẽ khiến nhiều người dân “dị ứng” với các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. “Với mấy chục loại phí đang đè lên khách hàng, nếu phí nào cân nhắc không thu được thì ngân hàng cần bỏ bớt như phí cấp lại mã pin, phí quản lý tài khoản, phí in sao kê...”, ông Thành nói.