Nhiều ngân hàng ‘khoe’ chưa thu phí ATM
1/3 là ngày nhiều ngân hàng đồng loạt thu phí ATM, nhưng đến giờ chót, một số "ông lớn" bất ngờ lên tiếng tạm thời cung cấp dịch vụ miễn phí cho khách hàng.
Bắt đầu từ 1/3, Thông tư 35/2012/TT-NHNN về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa có hiệu lực. Theo đó, các NHTM được phép áp dụng biểu phí dịch vụ thẻ mới với mức phí rút tiền ATM nội mạng tối đa là 1.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT).
Một số “ông lớn” ngân hàng, mà tiêu biểu nhất là Vietcombank đã lên tiếng giải thích cho lý do thu phí của mình. Chính vì vậy, rất nhiều khách hàng tin rằng chỉ những ngân hàng bé tiếp tục cung cấp miễn phí trong khi hầu hết “ông lớn” ều thu phí giao dịch ATM kể từ ngày 1/3. Tuy nhiên, tới đúng giờ "G", DongA Bank thông báo, năm 2013, ngân hàng tiếp tục không thu phí ATM nội mạng.
Nhiều ngân hàng vẫn chưa thu phí ATM (ảnh minh họa). |
Một “ông lớn” khác là BIDV cũng chưa vội thu phí ATM. Mặc dù không áp dụng miễn phí cả năm như DongA Bank, nhưng BIDV miễn phí rút tiền nội mạng cho chủ thẻ ATM trong thời gian 2 tháng, từ 1/3 đến hết 30/4 và tiếp tục dành ưu đãi cho các đối tượng khách hàng theo chủ trương của NHNN và chính sách của BIDV theo từng thời kỳ.
BIDV cho biết theo biểu phí mới có hiệu lực từ 1/3/, thẻ ghi nợ nội địa BIDV có năm nhóm phí: phí phát hành thẻ; phí sử dụng thẻ; phí giao dịch trên ATM; phí dịch vụ POS và phí dịch vụ thanh toán trực tuyến tại các website chấp nhận thẻ. Trong đó, BIDV sẽ miễn phí cho khách hàng sử dụng dịch vụ: vấn tin số dư tài khoản nội mạng, xem sao kê nội mạng, phí yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn và thanh toán hóa đơn dịch vụ EVN, VNPT Hà Nội, mua/thanh toán bảo hiểm, thanh toán vé máy bay Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, nạp tiền thuê bao di động - BIDV VnTopup, nạp tiền ví điện tử Vn-Mart trên ATM BIDV...
Trước đó, ngày 28/2, ngân hàng Bảo Việt đã thông báo chủ thẻ BaoViet Bank tiếp tục được rút tiền miễn phí tại hệ thống ATM của tất cả các ngân hàng Việt Nam trên toàn quốc. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng sớm công bố tiếp tục miễn phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng qua máy ATM. Cụ thể, SCB sẽ tiếp tục miễn phí rút tiền mặt đối với chủ thẻ SCB thực hiện giao dịch rút tiền tại ATM của SCB và Ngân hàng liên minh. Ngoài ra, SCB còn miễn nhiều loại phí giao dịch khác tại ATM như: phí chuyển khoản (nội mạng), phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí gia hạn thẻ, phí tra soát giao dịch. Đồng thời, SCB cũng miễn phí cung cấp dịch vụ truy vấn số dư qua kênh Internet Banking.
Trong bối cảnh NHNN cho phép các ngân hàng được phép thu phí rút tiền nội mạng tối đa 1.000 đồng/giao dịch, ngoại mạng tối đa 3.000 đồng/giao dịch, thì việc SCB tiếp tục áp dụng chính sách miễn phí được xem là ưu đãi đặc quyền dành riêng cho chủ thẻ ghi nợ nội địa SCB.
Chia sẻ với khách hàng hay lực bất tòng tâm?
Nguyên nhân mà các ngân hàng từ lớn đến nhỏ đưa ra khi hoãn hoặc không thu phí ATM hầu hết là vì khách hàng.Trên website của ngân hàng, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc DongA Bank, chia sẻ: “DongA Bank hiện có số lượng thẻ phát hành đã lên đến con số 6 triệu, nếu thu phí, chúng tôi sẽ có thêm một nguồn doanh thu không nhỏ. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn như hiện nay, mọi người đều phải “thắt lưng buộc bụng”, nhất là đối với nông dân, công nhân nghèo, thì 1.000 đồng cũng có giá trị".
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang khuyến khích người dân sử dụng thẻ để tiếp cận với những tiện ích hiện đại trong giao dịch tài chính, vì vậy, dù ủng hộ chủ trương thu phí giao dịch ATM nội mạng, DongA Bank vẫn tạm thời chưa thu loại phí này để tăng thêm hỗ trợ đối với khách hàng. “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là với hệ thống ATM để cung cấp thêm nhiều tiện ích mới cho khách hàng, để trong tương lai, mỗi đồng tiền khách hàng trả cho một lần giao dịch trên máy ATM DongA Bank đều xứng đáng”, ông Trần Phương Bình nhấn mạnh.
BaoViet Bank thì cho rằng việc miễn phí dịch vụ ATM sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian, chi phí khi có thể rút tiền tại bất kỳ ATM nào thay vì phải xếp hàng chờ đợi hoặc tìm đúng cây ATM của chính BaoViet Bank. Trong khi đó, SCB lại đưa ra lý do chưa thu phí ATM là để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa của SCB. Trong khi đó, mục đích BIDV hoãn hai tháng thu phí ATM chính là tri ân khách hàng nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống (26/4/1957 – 26/4/2013).
Một chuyên gia thẻ nhận xét, với các ông lớn sở hữu hàng triệu thẻ và rất nhiều ATM, việc thu phí mang lại cho họ rất nhiều lợi nhuận và nằm trong tầm kiểm soát của họ. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ không dễ gì thực hiện điều này vì số lượng thẻ phát hành của họ ít, tức là ít khách hàng. Bên cạnh đó, ATM của các ngân hàng nhỏ cũng ít do chi phí đầu tư và duy trì hoạt động của ATM khá cao. Thông thường, thẻ của họ sử dụng qua nền tảng hạ tầng của các tổ chức khác bằng cách kết nối với các tổ chức chuyển mạch như như Banknetvn, Smartlink.
Khách hàng của họ sẽ giao dịch (rút tiền, vấn tin...) trên ATM của các ngân hàng khác cùng trong hệ thống chuyển mạch mà ngân hàng nhỏ đó tham gia. Giao dịch đó gọi là giao dịch chéo. Bản thân giao dịch này đã bị tính phí rồi.Trong bối cảnh ATM ít khách, lại bị thu phí giao dịch nội mạng, khách hàng có thể sẽ chuyển sang dùng thẻ của ngân hàng khác vì đằng nào cũng bị thu phí như nhau trong khi ATM của các ngân hàng lớn nhiều hơn, giao dịch thuận tiện hơn. Vì vậy, nếu thu phí nội mạng, ngân hàng nhỏ có thể tự làm khó mình.
35 ngân hàng miễn phí rút tiền ATM nội mạng Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết sau khi Thông tư 35 chi phí dịch vụ đối với thẻ ghi nợ nội địa có hiệu lực từ 1-3, các NH thương mại đã xây dựng biểu phí tương ứng. Đến nay, có 35 NH thương mại tiếp tục miễn phí rút tiền ATM nội mạng như Đông Á, SCB, Eximbank… Có 2 đơn vị quy định mức phí rút tiền từ 100-200 đồng/giao dịch, 10 đơn vị quy định mức phí tối đa 1.000 đồng/giao dịch. |
Theo VTC