Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trà karak đã tăng giá

Lạm phát toàn cầu khiến những người bán trà ở Dubai buộc phải tăng giá trà karak, loại thức uống "quốc dân" với người UAE, đặc biệt là tầng lớp lao động nhập cư thu nhập thấp.

Đứng phía sau quầy, Mustafa Moeen nhìn thấy nhiều khuôn mặt mang đậm tính “Dubai”. Nhiều người, trong bộ dạng mệt mỏi, đói và căng thẳng, tới để nghỉ ngơi và thưởng thức cốc trà karak.

Người lao động dừng lại trên đường đi làm. Lái xe cabin nán qua sau ca làm việc dài. Các khách hàng cho biết một tách trà sữa ngọt ngào sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng trong ngày. Trà karak từ lâu chỉ có giá một dirham, tương đương khoảng 30 xu Mỹ, theo AP.

Tuy nhiên, giờ đây, chuỗi cung ứng thiếu hụt và chiến sự Ukraine đã đẩy giá mọi hàng hóa tăng cao, từ bánh mì ăn sáng ở Manhattan đến tinga gà ở Mexico.

Và trà karak - mặt hàng được coi một cách không chính thức là thức uống quốc dân tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - cũng không đứng ngoài cơn lốc bão giá. Moeen nói rằng anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá trà lên 1,50 dirham (hơn 40 xu Mỹ).

“Mọi thứ đều đắt đỏ hơn, từ sữa, đường đến túi trà. Thậm chí giá cốc cũng tăng gấp đôi”, anh Moeen cho biết, trong lúc đứng tại cửa hàng trên phố Satwa.

Satwa ở giữa khu vực nhộn nhịp với người lao động trên những chiếc xe đạp ọp ẹp, đối lập với thế giới xa hoa, hào nhoáng của những tòa nhà chọc trời tại Dubai.

“Chúng tôi cũng cần phải tồn tại”, anh Moeen trải lòng.

"Tôi đến để kiếm tiền, không phải để tiêu"

Trong gần hai thập niên, karak - loại “thần dược” bao gồm đường, sữa bột và trà - vẫn luôn giữ nguyên giá. Zeeshan Razak - kế toán đến từ Kerala, Ấn Độ - đang nhâm nhi tách trà với đồng nghiệp, nói rằng điều anh lo lắng là ý nghĩa đằng sau việc trà tăng giá.

Karak là một trong những món đồ hiếm hoi có thể mua được chỉ với một dirham ở Dubai. Thành phố này vốn là nơi thu hút cả những người giàu nhất thế giới, cũng như cả nhóm lao động nhập cư thu nhập thấp.

“Một dirham như một phần của thương hiệu trà karak”, Abdulla Moaswes - một người Palestine đam mê karak và lớn lên ở UAE - cho biết. "Mọi người tích trữ tiền xu để họ luôn có một cốc trong tay".

Các chính phủ Arab vùng Vịnh giàu dầu mỏ đã gặt hái được nhiều "quả ngọt" kể từ khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau dịch Covid-19 và chiến sự Ukraine thúc đẩy giá năng lượng toàn cầu.

lam phat tai dubai anh 1

Người bán trà Ấn Độ tên Rafik rót karak vào cốc tại một cửa hàng ở Dubai hôm 24/8. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, họ cũng không đứng ngoài cuộc chiến lạm phát. Giá của một món đồ ngọt khác ở Dubai trị giá một dirham - kem ốc quế của McDonald’s - gần đây đã tăng vọt lên 2 dirham.

Đại diện McDonald’s tại UAE cho biết họ phải đưa ra “quyết định khó khăn” do “chi phí vận hành, thiết bị, nhân lực và nguyên liệu thô” tăng đột biến.

Cư dân Dubai đang cảm thấy không thoải mái.

“Sau 5 năm ở đây, đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất. Tiền thuê nhà, thức ăn, xăng dầu, tôi không thể đáp ứng kịp”, Arslan - tài xế xe công nghệ đến từ Pakistan - chia sẻ.

Mỗi ngày, anh uống 4 cốc karak có chứa caffein nhằm đảm bảo năng lượng cho ca làm đêm kéo dài 12 tiếng. Anh khẳng định mình không thể uống ít trà karak đi. Arslan cho biết thêm chủ nhà đang đe dọa gọi cảnh sát vì anh không có đủ tiền để chi trả hóa đơn thuê nhà.

Theo thống kê, lạm phát hàng năm ở Dubai tăng lên mức kỷ lục 7,1% vào tháng trước, với giá tiêu dùng thực phẩm, giao thông và giải trí tăng nhanh nhất. Giá xăng tăng gần 80% từ tháng 1 tới tháng 7. Đây được coi là cú sốc với một quốc gia mạnh về dầu khí từ lâu đã coi nhiên liệu giá rẻ là đặc quyền.

Nhóm nghèo nhất của UAE là những người lao động nhập cư phải làm việc trong nhiều giờ với mức lương thấp.

“Lạm phát là vấn đề nội địa và nó đánh vào phân khúc dân số nước ngoài lao động có ngân sách eo hẹp. Những thay đổi nhỏ về giá cả cũng đem lại tác động lớn”, Robert Mogielnicki - học giả cấp cao tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington - cho biết.

Vào ban đêm, trên những khu đất trống và góc phố của Dubai, rất nhiều người lao động ngồi nói chuyện phiếm và dùng điện thoại, trong khi trên tay cầm những cốc trà nóng hổi.

“Trả 1,5 dirham cũng không sao. Nhưng mọi thứ cộng dồn lại thì khác. Tôi đến đây để kiếm tiền, không phải để tiêu”, Anayeg Ula - nhân viên giao đồ ăn 29 tuổi đến từ Bangladesh - nói.

Nét văn hóa của UAE

Mặc dù có kích thước nhỏ, một cốc karak chứa đựng rất nhiều câu chuyện lịch sử của UAE. Lĩnh vực dầu mỏ bùng nổ vào những năm 1970 khiến hàng triệu người di cư đến các quốc gia Arab vùng Vịnh, đem theo cả sở thích uống trà của họ.

Người Ấn Độ và Pakistan làm nghề xây dựng tại các tiểu vương quốc ven biển thích trà masala chai. Tuy nhiên, họ không đủ tiền để mua sữa tươi và cũng không có thời gian để chờ nấu trà trên bếp than. Họ cần trà chai nhanh, tiện với mức giá rẻ, có thể để lâu và phục vụ số lượng người lớn tại công trường.

“Karak sinh ra từ sự cần thiết. Karak là những gì tình hình kinh tế cho phép trong nhiều thập niên trước”, ông Moaswes nói.

lam phat tai dubai anh 2

Một người đàn ông cười đùa trong khi tay cầm karak ở Dubai hôm 24/8. Ảnh: AP.

Trong những năm qua, trà bùng nổ và vừa trở thành nghi lễ xã hội, vừa là một thói quen không thể thiếu.

Xu hướng này lan sang người Emiratis vốn có truyền thống nấu trà Arab đen thẫm. Giờ đây, họ tuyên bố trà chai màu trắng đục như một phần di sản. Cơ quan quản lý du lịch của Dubai đã quảng bá các điểm bán trà karak hàng đầu cho du khách.

“Đối với tôi, đó là nỗi nhớ, là mỗi bữa sáng, là khi dạo quanh trong chiếc ôtô", Ahmed Kazim - người thành lập cửa hàng karak cao cấp nổi tiếng, Project Chaiwala - nhớ lại. “Đó là văn hóa của UAE. Bạn có thể chứng kiến một anh chàng đi xe đạp cạnh chiếc Lamborghini".

Giá của karak tăng lên một dirham vào năm 2004. Một số người lo sợ nếu giá tiếp tục tăng, mặt hàng chủ lực có thể không còn thuộc về tầng lớp lao động, những người đã tạo ra karak.

Shashank Upadhyay, chủ tiệm bánh ở khu phố cổ Karama của Dubai, từng nâng giá karak thành 2 dirham vào đầu năm nay. Tuy nhiên, anh đã quay về giá cũ sau khi thấy khách hàng bối rối.

“Nếu chúng tôi cứ tăng giá, trà sẽ thành thứ dành cho người đi ăn nhà hàng cao cấp. Tuy nhiên, nó dành cho những người lao động địa phương như chúng tôi”, anh Upadhyay nói.

6 tháng xung đột Ukraine đẩy kinh tế thế giới đến bờ suy thoái

Sáu tháng kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, nền kinh tế châu Âu đứng trước bờ vực suy thoái, trong khi gánh nặng lạm phát đảo lộn cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia khác.

Lựa chọn khó khăn của người Anh

Lạm phát ở Anh đã tăng lên mức cao nhất trong suốt 40 năm qua, khiến người dân phải tìm cách xoay xở như chọn các siêu thị giá rẻ, cắt giảm thịt trong bữa ăn và dự trữ xà phòng.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm