Hôm 25/1, Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc đã đưa ra định nghĩa chính thức về thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu. Báo cáo cho biết những người kiếm được dưới 2.000 nhân dân tệ (295 USD) một tháng thuộc nhóm người có thu nhập thấp. Những người có mức lương từ 2.000 đến 5.000 nhân dân tệ (từ 295 đến 740 USD, tức 6,8 triệu đến 17 triệu đồng) một tháng được coi là thu nhập trung bình.
Người có thu nhập hàng tháng từ 5.000 đến 10.000 nhân dân tệ (740 đến 1.480 USD) được xếp vào nhóm tương đối cao. Những ai kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng thuộc nhóm người có thu nhập cao.
Trên mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc đã bày tỏ sự hoài nghi về báo cáo này. Nhiều người cho rằng mức thu nhập từ 2.000 đến 5.000 nhân dân tệ là thấp và không thể xếp vào nhóm trung lưu. Con số được Cục Thống kê đưa ra đã bị dư luận giễu cợt trên mạng.
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang chịu áp lực từ chi phí sinh hoạt cao. Ảnh: Bloomberg. |
Phản ứng này đã buộc văn phòng thống kê đưa ra tuyên bố giải thích rằng định nghĩa thu nhập trung bình chỉ áp dụng cho báo cáo.
"Thuật ngữ nhóm thu nhập trung bình, được đề cập trong kết quả khảo sát, không liên quan gì đến khung thu nhập theo nghĩa chung", tuyên bố cho biết.
Bắc Kinh đang hy vọng mở rộng tầng lớp trung lưu và tăng thu nhập của họ thông qua cải cách thuế để tăng sức chi tiêu. Những thay đổi trong năm ngoái bao gồm tăng ngưỡng miễn thuế từ 3.500 lên 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng và thêm các khoản khấu trừ mới, chẳng hạn như chăm sóc người già.
Với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người là 8.827 USD trong năm 2017, đứng thứ 73 trên thế giới, Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới xem là quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra định nghĩa chính thức về thu nhập trung bình. Tuần trước, Cục trưởng Cục Thống kê Ning Jizhe đã cung cấp một "định nghĩa lỏng lẻo".
"Ví dụ, một gia đình điển hình gồm ba người, có thể có thu nhập hàng năm từ 100.000 đến 500.000 nhân dân tệ. Có 400 triệu người, hoặc 140 triệu hộ gia đình, (trong khung thu nhập đó) có điều kiện để mua xe hơi, căn hộ hoặc đi du lịch", ông Ning cho biết.
Nhưng ngay cả ở cấp độ đó, một số người Trung Quốc có thể được coi là tầng lớp trung lưu nói rằng họ hầu như không đủ chi tiêu. Những người được gọi là tầng lớp trung lưu cũng không cảm thấy khá hơn ở những vùng giàu có hơn của đất nước, nơi chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
"Nhóm thu nhập trung bình, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không cảm thấy như vậy mặc dù thu nhập của họ đạt đến một mức nhất định. Những người không ở mức thu nhập thấp cũng cảm thấy áp lực về chi phí sinh hoạt. Họ không thể tận hưởng cuộc sống", Wang Xiaoyi, nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận xét.
Theo ông Wang, việc nâng cao nhận thức của người dân về thành tựu cũng quan trọng không kém việc giúp mọi người thoát khỏi nghèo đói.