Theo Wall Street Journal, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tuần trước ở Hawaii, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, đã liệt kê các hành động mà Bắc Kinh coi là có thể đe doạ thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết giữa hai nước.
Bên cạnh đó, phái đoàn Trung Quốc cũng bày tỏ sự "không hài lòng mạnh mẽ" với sắc lệnh Tổng thống Trump ký hồi tuần trước về việc trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc có trách nhiệm với việc giam giữ có hệ thống người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực tây bắc Tân Cương.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomep và Uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp hồi năm 2018. Ảnh: Xinhua. |
Mặc dù ông Dương Khiết Trì tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh về việc thực hiện thoả thuận thương mại, ông nhấn mạnh rằng hai bên cần phải "cùng làm việc", theo nguồn tin của Wall Street Journal. Một quan chức Trung Quốc giải thích đây là: "Những lằn ranh đỏ không nên bị vượt qua".
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo được cho là không hề nhượng bộ, theo những người được báo cáo về nội dung cuộc gặp.
"Những gì tôi muốn nói hôm đó (ở Hawaii) chính xác là những gì tôi muốn nói hôm nay. Nước Mỹ đang cam kết về một phản ứng với đảng Cộng sản Trung Quốc và sự hung hăng theo một cách mà nước Mỹ chưa từng làm trong suốt 20 năm qua", ông Pompeo phát biểu tại diễn đàn ở Copenhagen hồi tuần trước.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo đến Hawaii với kỳ vọng về "một góc nhìn mới mẻ và những hành động cụ thể", nhưng cuối cùng phải thất vọng.
"Chúng tôi nhận được những thứ giống như trước. Ông Dương không có đề xuất gì gây cảm hứng", quan chức này chia sẻ.
Ngay sau khi cuộc gặp giữa ông Dương và ông Pompeo kết thúc, Phó thủ tướng Lưu Hạc - người đại diện Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại với Mỹ - cũng đã lên tiếng. Ông Lưu cho rằng khả năng Bắc Kinh thực hiện thoả thuận thương mại phụ thuộc vào việc Mỹ giảm bớt áp lực ở các mặt trận khác.
"Hai nước nên tạo điều kiện và bầu không khí, loại bỏ sự can thiệp, để cùng thực hiện thoả thuận giai đoạn 1", ông Lưu nói trong bài phát biểu bằng văn bản được giử đến một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải hôm 18/6.
Theo một số quan chức Trung Quốc, bằng cách sử dụng những từ như "bầu không khí", ông Lưu muốn nhắc nhở Mỹ về những cảm xúc mạnh mẽ đang gia tăng ở Trung Quốc, và khó khăn mà các lãnh đạo nươc này gặp phải để hợp lý hoá việc mua hàng hoá Mỹ giữa cơn bão chỉ trích của Washington.
"Bạn không thể cứ yêu cầu chúng tôi mua hàng hoá của bạn trong khi cùng lúc đó tiếp tục đánh đập chúng tôi. Đó không phải là cách mọi thứ diễn ra", bà Mei Xinyu, một nhà phân tích đến từ việc chính sách có liên kết với Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định.