Ngày 27/8, theo thông cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), nước này sẽ đẩy mạnh cải thiện công tác kiểm soát đối với các hãng xe công nghệ, đồng thời mở rộng cơ chế tín nhiệm xã hội trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội dự kiến ra mắt năm 2020 được xây dựng nhằm đánh giá mức độ tin cậy của công dân qua hành vi trên mạng.
Trước đó, thông cáo của Bộ Giao thông và Bộ Công an cho biết ứng dụng gọi xe Didi Chuxing chịu “trách nhiệm không thể chối bỏ” trong vụ việc nữ hành khách 20 tuổi bị sát hại hôm 24/8.
Ứng dụng gọi xe Didi vướng vào hai vụ việc tài xế sát hại hành khách. Ảnh: Reuters. |
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc chưa hết chấn động với vụ án tương tự hồi tháng 5. Hai vụ việc liên tiếp gây ảnh hưởng tới hình ảnh của Didi, công ty cung cấp dịch vụ xe đi chung lớn nhất thế giới về số lượng chuyến đi và đang dự định mở rộng trên toàn cầu.
Theo Reuters, Didi bắt đầu đình chỉ dịch vụ đi chung Hitch từ ngày 27/8 vì “sai lầm đáng thất vọng”, đồng thời sẽ đánh giá lại mô hình kinh doanh. Theo công ty này, hai giám đốc quản lý cũng đã bị cách chức.
Cảnh sát cho biết Zhong, tài xế 27 tuổi bị bắt ngày 25/8, đã thú nhận hành vi cưỡng hiếp và giết hại hành khách.
Didi khẳng định nghi phạm trước đây chưa từng phạm tội, đã nộp hồ sơ hợp lệ và thông qua nhận diện khuôn mặt trước khi bắt đầu công việc. Dù vậy, trước đó một khách hàng từng khiếu nại Zhong chở cô đến một vùng xa xôi và đi theo cô sau khi xuống xe.
Ứng dụng gọi xe Didi trên điện thoại. Ảnh: Getty. |
Sau vụ việc nữ tiếp viên hàng không 21 tuổi bị giết hồi tháng 5, Didi đưa ra một loạt biện pháp cải thiện an toàn, bao gồm hạn chế giờ chở hành khách khác giới và thử nghiệm “chế độ hộ tống” cho phép khách hàng chia sẻ lộ trình và điểm đến với các liên lạc khẩn cấp trong danh bạ.
Ứng dụng này cũng gỡ bỏ các chức năng như ảnh đại diện và xếp hạng đối với Hitch, đồng thời cho biết sẽ tăng yêu cầu nhận diện khuôn mặt đối với các dịch vụ khác cũng như thiết kế lại chức năng cầu cứu khẩn cấp.
Tuy nhiên, những vụ việc kinh hoàng liên tiếp đang khiến công ty Trung Quốc đối mặt với làn sóng chỉ trích kịch liệt. Trên mạng xã hội Weibo, chỉ trong sáng 27/8, hơn 5.000 bình luận đã xuất hiện dưới bài đăng xin lỗi chính thức của hãng này.
“Tôi không dám sử dụng Didi nữa”, một người viết.
Dịch vụ đi chung Hitch của Didi cho phép người dùng gọi xe qua điện thoại thông minh và đi chung với một người khác cùng đường. Năm 2016, hãng công nghệ Uber đã nhượng lại việc kinh doanh của họ cho Didi, giúp Didi trở thành nhà cung cấp xe đi chung lớn nhất với 30 triệu lượt khách mỗi ngày. Năm 2017, hãng này có giá trị tới 56 tỷ USD.