Tàu nạo vét Tianjing của Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post |
South China Morning Post dẫn thông tin từ các chuyên gia Trung Quốc ngang nhiên cho biết, sau khi thực hiện chương trình bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, nước này sẽ tập trung vào triển khai các thiết bị tại đây. Ngoài ra, các tàu với kích cỡ và chức năng khác nhau "đã sẵn sàng cho nhiệm vụ trên Biển Đông".
Ông Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, ngang ngược tuyên bố, Bắc Kinh sẽ tiếp tục lắp đặt thiết bị quân sự trên Biển Đông, nhằm đáp trả việc Mỹ điều các tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp và đưa máy bay tuần tra không phận trên khu vực này.
Theo ông Ngô, một số thiết bị như hải đăng ở đá Châu Viên và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cùng các radar sẽ được dùng cho hoạt động giải cứu hàng hải và dự báo thời tiết.
“Các thiết bị giải cứu tại Biển Đông bị thiếu hụt nghiêm trọng, thể hiện qua quá trình tìm kiếm MH370 hai năm trước”, ông Ngô nói và đề cập tới chuyến bay của hãng Malaysia Airlines biến mất chỉ vài phút sau khi khởi hành từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh ngày 8/3/2014.
“Hoạt động giải cứu trên Biển Đông chủ yếu do Trung Quốc thực hiện theo Công ước Quốc tế về Tìm kiếm và Cứu nạn hàng hải. Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trên biển”, ông này lý lẽ.
Thậm chí nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, một số bãi đá ngầm sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động nghiên cứu hàng hải cùng các quốc gia láng giềng. Ông này còn lớn giọng nói Bắc Kinh sẽ cho phép các quốc gia khác sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên đảo nhân tạo phi pháp, ví dụ bệnh viện.
“Hy vọng rằng, với những bước như vậy, Trung Quốc có thể cho cộng đồng quốc tế thấy một trong những mục đích chính của nước này là phục vụ lợi ích chung”, ông Ngô nói vô căn cứ.
Theo chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, hoạt động đánh bắt và du lịch sẽ là mục tiêu của việc phát triển các chuỗi đảo, tạo điều kiện để các tàu cá cỡ lớn hoạt động trong khu vực. Ông Ngô nhận định, quá trình khai thác khí đốt sâu dưới vùng biển cũng sẽ được đẩy mạnh.
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu kỹ thuật của trường Đại học Giao thông Thượng Hải cho hay, Trung Quốc sẽ thiết kế và đóng các tàu hàng hải và tàu nạo vét với kích cỡ lớn hơn nhằm mở rộng khu vực.
Bắc Kinh đã cử tàu Thiên Kình, tàu nạo vét tự hành lớn thứ ba thế giới, tới Biển Đông theo một dự án cải tạo năm 2010. Nhà nghiên cứu giấu tên lý lẽ rằng, những bước đầu của dự án cải tạo đất trái phép trên Biển Đông gặp nhiều vấn đề và Trung Quốc cần thêm nhiều tàu khác để "tiếp cận Biển Đông dễ dàng hơn".
Theo ông này, vai trò quan trọng nhất của tàu nạo vét lớn không phải là bồi lấp thêm đất, mà là “mũi giáo” để mở đường cho các tàu khác tới những nơi trước đây họ không thể tiếp cận.
Cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích hoạt động bồi lấp các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên Biển Đông. Thời gian gần đây, Bắc Kinh thực hiện nhiều hành vi gây lo ngại nghiêm trọng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, gồm triển khai hệ thống phòng không HQ-9, xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo và điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến khu vực này. Nhiều nhà quan sát nhận định, Bắc Kinh đang quân sự hóa và âm mưu thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Tuần trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, tuyên bố Washington sẽ tăng cường hoạt động vì tự do hàng hải tại Biển Đông trước các động thái làm leo thang căng thẳng từ phía Trung Quốc.