Lính Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu rút khỏi một số điểm căng thẳng ở khu vực tranh chấp dọc theo biên giới hai nước ở vùng núi Himalaya, các quan chức an ninh Ấn Độ cho biết ngày 6/7, sau khi các nhà ngoại giao và chỉ huy quân đội hai bên đối thoại nhằm giảm căng thẳng.
Theo Wall Street Journal, việc rút quân diễn ra chỉ hai ngày sau khi một tờ báo Ấn Độ đưa tin về căng thẳng giữa Trung Quốc và Bhutan về một khu bảo tồn hoang dã. Các chuyên gia cho biết đây là yêu sách chủ quyền mới của Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có “cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu” trên điện thoại ngày 5/7 trước khi rút quân, theo các thông cáo từ bộ ngoại giao hai bên ngày 6/7.
Hai bên đồng ý giảm căng thẳng nhanh nhất có thể, tiếp tục liên lạc giữa quan chức ngoại giao và quân đội hai bên để thực thi thỏa thuận.
Quân đội Ấn Độ tập trận ở vùng biên giới Ladakh. Ảnh: AFP. |
Các quan chức an ninh Ấn Độ ngày 6/7 cho biết lính Trung Quốc đã gỡ bỏ các lều và cấu trúc từ “điểm tuần tra số 14” gần thung lũng Galwan. Lính hai bên đã đụng độ trực diện mà không nổ súng vào đêm 15/6, làm 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Hai bên đã đồng ý “không có hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng”, chính phủ Ấn Độ cho biết.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có những vụ chạm trán căng thẳng ở nhiều nơi ở phía đông vùng Ladakh kể từ đầu tháng 5, khi một cuộc tuần tra dẫn đến xô xát. Kể từ đó, khu vực này cũng được hai bên điều quân và hỏa lực tới chi viện.
Đụng độ tháng trước ở thung lũng Galwan, vùng hiểm trở ở phía đông bắc vùng Ladakh, là lần đầu kể từ năm 1975 có thương vong trong xung đột biên giới hai nước. Phía Ấn Độ nói có thương vong ở cả hai bên, nhưng phía Trung Quốc chưa xác nhận thương vong.
Tâm điểm căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc (đường viền màu đỏ). Đồ họa: New York Times. |
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp cận quyết liệt hơn trong yêu sách chủ quyền với các nước láng giềng. Căng thẳng leo thang dẫn đến đồn đoán Ấn Độ có thể xích lại gần hơn với Mỹ và các nước châu Á khác nhằm đẩy lui sức ép từ Bắc Kinh, theo Wall Street Journal.
“Điều quan trọng nhất hiện giờ là mọi bên bình tĩnh lại”, Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói với Wall Street Journal.
Quan chức Ấn Độ cho biết lính hai bên sẽ dần lùi lại cách xa ranh giới, để lại một “vùng đệm” để giữ khoảng cách an toàn và tránh nhìn thấy nhau. Hai bên cũng sẽ tránh tuần tra về đêm để ngăn bùng phát căng thẳng.
Sau xung đột với Ấn Độ, Trung Quốc tiếp tục tranh cãi với Bhutan, đồng minh của Ấn Độ, về một khu bảo tồn hoang dã, gần khu vực của Ấn Độ gần biên giới mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Bhutan phủ nhận yêu sách của Trung Quốc đối với khu bảo tồn này, và cho biết các trao đổi phân định biên giới giữa hai bên chưa hề coi đây là vùng tranh chấp. Hai nước đã có bất đồng từ lâu về miền trung và miền tây của ranh giới hai bên, theo các chuyên gia.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp cận quyết liệt hơn trong yêu sách chủ quyền với các nước láng giềng, theo Wall Street Journal. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Kanti Prasad Bajpai, giáo sư quan hệ quốc tế của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng việc tranh chấp với Bhutan là một cách thức ít rủi ro để Trung Quốc tăng áp lực lên New Delhi.
Khu vực đó có thể là con bài đàm phán của Bắc Kinh trước Ấn Độ, và cũng để gửi thông điệp đến dư luận trong nước là Trung Quốc cứng rắn trong vấn đề lãnh thổ, dù có rút quân khỏi điểm nóng với Ấn Độ.
“Yêu sách chủ quyền với Bhutan là điều mà người Ấn Độ sẽ chú ý tới, nhưng không nhất thiết sẽ nổi nóng mà cử lính ngay tới”, ông Bajpai nói với Wall Street Journal.