Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ phát hành 140 tỷ USD trái phiếu, nhưng không ghi vào ngân sách

Trung Quốc đang ở thế khó. Sau nhiều năm cố kiềm chế mức nợ công, nước này lại phải tăng số tiền vay khi kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, và mức nợ lại tăng lên.

Để vừa có thể vay thêm, vừa không muốn làm số liệu tài chính bị xấu đi, Bắc Kinh đang dùng một phương thức kế toán đặc biệt để biến một đợt phát hành trái phiếu mới trở thành “trái phiếu ngoài ngân sách” - tức tiền thu được từ trái phiếu khi chi tiêu sẽ không khắc sâu con số thâm hụt ngân sách.

Tổng trị giá trái phiếu đặc biệt sẽ được phát hành lên tới 140 tỷ USD, theo công bố mới đây.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cần phải cẩn thận với phương thức này, vì các khoản vay thêm này vẫn phải trả lại, nếu không mức đánh giá rủi ro tín dụng của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

“‘Ngoài ngân sách’ không có nghĩa là (tiền vay) sẽ không được tính tới khi tính toán mức nợ tổng cộng”, David Wang, phụ trách kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Credit Suisse, nói với South China Morning Post.

“Ngay cả nếu trái phiếu đặc biệt được ghi nhận khác đi (về mặt kế toán) so với cách thông thường, chính phủ Trung Quốc vẫn đang vay tiền”.

Trung Quoc trai phieu dac biet anh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 của Chính Hiệp Trung Quốc Khóa 13 ngày, ngày 21/5. Ảnh: AP.

140 tỷ USD trái phiếu đặc biệt

Sản lượng kinh tế Trung Quốc giảm 6,8% trong tháng 1-3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu chính thức vào ngày 17/4, sau nỗ lực kiềm chế virus corona, khiến cho công nghiệp, giao thông, mua sắm ở Trung Quốc đều bị đình trệ. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ khi GDP hàng quý của Trung Quốc được thống kê.

Để chống dịch và tác động của dịch, Trung Quốc đã phải tăng các khoản chi và vay thêm tiền (trong ngân sách) để hỗ trợ nền kinh tế, khiến tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP tăng lên. Nhưng để vay thêm nữa, chính phủ Trung Quốc giờ sẽ dùng trái phiếu đặc biệt “ngoài ngân sách”, theo South China Morning Post.

Ngoài ra, giới hạn phát hành trái phiếu của các chính quyền địa phương cũng được nới rộng.

Lần cuối mà Trung Quốc phát hành trái phiếu đặc biệt là vào năm 2007, khi nước này phát hành 204 tỷ USD trái phiếu để cấp vốn cho Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc, quỹ đầu tư quốc gia mới của nước này.

Chi tiết về đợt phát hành trái phiếu đặc biệt, bao gồm quy mô và cách thức phát hành, được tiết lộ tại đại hội của giới lãnh đạo nước này vào ngày 22/5, theo South China Morning Post.

Washington Post ngày 25/5 đưa tin chính phủ Trung Quốc dự định bán 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt, để chi vào y tế cộng đồng và nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Báo này cho biết trái phiếu đặc biệt là công cụ tài chính hiếm khi sử dụng, từng được dùng trong cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1990 (để huy động vốn cho các ngân hàng lớn) và vào năm 2007 (để lập ra quỹ đầu tư quốc gia).

Trái phiếu đặc biệt lần này nhiều khả năng sẽ do các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác mua, chẳng hạn nhà bảo hiểm hay quỹ đầu tư. Khác với hai lần trước, trái phiếu lần này sẽ được bán rộng rãi, thay vì cho một nhóm công ty được chọn, Sheng Qi, nhà phân tích tại Founder Securities, nói với Washington Post.

Tiền thu được sẽ được chuyển cho các chính quyền địa phương, chủ yếu cho y tế và các nỗ lực liên quan đến đại dịch, theo Bộ Tài chính Trung Quốc. Các doanh nghiệp và hộ gia đình ở tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của thế giới, nhiều khả năng sẽ nhận được nhiều, Ding Shuang, kinh tế gia trưởng vùng Bắc Á tại ngân hàng Standard Chartered, nói với Washington Post.

Ông nói thêm rằng tiền có thể dùng để cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ, để các ngân hàng này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với một động thái khác của chính phủ tăng cường cho vay và khuyến khích ngân hàng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ.

Trung Quoc trai phieu dac biet anh 2

Một tàu container ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Sản lượng kinh tế Trung Quốc giảm 6,8% trong quý I. Ảnh: AP.

Thế khó về mặt tài chính

Các nhà phân tích cho biết việc phát hành trái phiếu đặc biệt là đáng chú ý vì Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về đánh giá tín dụng của mình - đánh giá dựa trên sức mạnh kinh tế và tình hình ngân sách - hai yếu tố đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19.

“(Trái phiếu đặc biệt) không được đưa vào trong ngân sách, cho Trung Quốc thêm ‘không gian’ để nâng mức thâm hụt ‘trong ngân sách’”, Xia Le, kinh tế gia trưởng về châu Á của BBVA Research, thuộc ngân hàng BBVA, nói với South China Morning Post.

Trung Quốc chú ý đặc biệt tới đánh giá tín dụng, chẳng hạn nước này phản ứng mạnh vào năm 2017 khi bị Moody’s và Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín dụng. Đó là lý do họ rất cẩn trọng với chính sách tài khóa, theo chuyên gia Xia Le.

Kể từ đó, xếp hạng của Trung Quốc đã cải thiện và đang ở mức A1, A+ và A+, lần lượt từ các công ty Moody’s, Fitch và Standard & Poor’s. Tuy vậy, vị thế về tài chính của Trung Quốc đã bị yếu đi sau đợt cắt giảm thuế, phí lớn, có trị giá gần 282 tỷ USD, vào năm ngoái.

Thu ngân sách của Trung Quốc vào tháng 3 tụt 26,1% so với một năm trước, giảm mạnh hơn tháng trước đó.

Tình hình cũng phức tạp hơn do các chính quyền địa phương. Công ty Tianfeng Securities ước tính rằng năm 2019, tỷ lệ các địa phương tự chủ tài chính chỉ là 49,7%, tức một nửa địa phương phải nhờ đến tiền của trung ương, hoặc phát hành thêm nợ, hoặc các khoản thu không phải thuế như bán đất.

Tính tổng cộng, tỷ lệ nợ hộ gia đình, nợ doanh nghiệp không phải tài chính, và nợ chính phủ đã tăng lên 245,4% của GDP vào năm 2019, tăng 6,1% so với năm trước đó, theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, một viện chính sách có liên hệ với chính phủ.

Bắc Kinh phản ứng Mỹ giáng đòn trừng phạt 33 công ty, tổ chức TQ

Việc Mỹ đưa 33 công ty, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen thương mại đã bị Bắc Kinh chỉ trích. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sẽ trả đũa.

Nhà Trắng: Mỹ có thể trừng phạt TQ vì dự luật an ninh cho Hong Kong

Chính phủ Mỹ có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Trung Quốc nếu Bắc Kinh thông qua luật an ninh để kiểm soát chặt hơn đối với Hong Kong.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm