"Chúng tôi muốn nhấn mạnh cuộc duyệt binh này không nhắm đến bất cứ quốc gia nào, bất cứ địa phương nào hay vấn đề nào cụ thể", thiếu tướng Thái Chí Quân thuộc Cục Tác chiến, Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nhấn mạnh trong buổi họp báo ngày 29/8.
Theo AFP, cuộc duyệt binh và diễu hành dân sự tại Bắc Kinh vào ngày 1/10 sẽ có quy mô lớn nhất trong các hoạt động kỷ niệm quốc khánh từ trước đến nay. Thiếu tướng Thái cho biết cuộc duyệt binh "lớn nhất thế giới sẽ là dịp trình làng lần đầu tiên nhiều vũ khí tối tân của Trung Quốc".
Tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D, đủ khả năng đe dọa tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ, được trình làng tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít ở Bắc Kinh tháng 9/2015. Ảnh: Reuters. |
Ông tiết lộ tất cả vũ khí và trang thiết bị được trình diễn trong dịp này đều do Trung Quốc tự sản xuất và đã được đưa vào biên chế.
Ông Thái cho biết đợt duyệt binh lần này sẽ lớn hơn hai dịp kỷ niệm 50 năm và 60 năm quốc khánh của Trung Quốc, cũng như cuộc duyệt binh trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Kháng chiến chống Nhật xâm lược năm 2015, theo China's Daily.
Đại diện Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương nhấn mạnh sự kiện là dịp để công bố các thành tựu của công cuộc xây dựng quốc phòng 70 năm qua tại Trung Quốc, đồng thời thể hiện hình ảnh mới của quân đội Trung Quốc sau đợt cải tổ lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Tuy nhiên, ông Thái khẳng định quy mô cuộc duyệt binh không nhằm gửi tín hiệu cứng rắn. Ông nói quân đội Trung Quốc luôn "cam kết bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định khu vực".
Trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua quảng trường Thiên An Môn với đội hình tạo thành số 70, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, diễn ra vào năm 2015. Ảnh: AP. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng dự kiến có bài phát biểu quan trọng trong buổi lễ ngày 1/10, theo Phó trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Vương Hiểu Huy.
Lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc diễn ra giữa lúc nước này đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. Quan hệ Washington - Bắc Kinh ngày một căng thẳng trên nhiều phương diện từ kinh tế đến quân sự.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang chưa tìm thấy giải pháp. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục vấp phải các cảnh cáo và hành động cứng rắn của Mỹ từ vấn đề Đài Loan đến các động thái trên Biển Đông. Trong khi đó, ông Tập còn đối diện nhiều thách thức trong nước như tình hình căng thẳng tại Hong Kong và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm.