Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ để dịch Covid-19 lan rộng vì bộ máy y tế quan liêu, đầu tư yếu kém

Theo South China Morning Post, Trung Quốc để dịch Covid-19 lan rộng khắp nước này do bộ máy quan liêu và nguồn đầu tư y tế thiếu ổn định bất chấp kinh nghiệm từ dịch SARS.

Dịch SARS năm 2002 là phép thử lớn đầu tiên đối với hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc. Bất chấp kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng đó và gần 2 thập kỷ phát triển, hệ thống phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc tỏ ra quá yếu kém trước dịch virus corona chủng mới.

Chi tiêu cho y tế của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần kể từ dịch SARS. Hàng nghìn trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh được thành lập trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, South China Morning Post cho biết theo các chuyên gia y tế, nguồn tài chính không ổn định, bộ máy quan liêu cồng kềnh và lực lượng y tế không được đào tạo bài bản khiến Trung Quốc lao đao với dịch Covid-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) bị chỉ trích dữ dội vì cảnh báo về dịch SARS quá chậm hồi năm 2002. Tới tháng 4/2003, cơ quan này mới hướng dẫn các bệnh viện cách đối phó với dịch SARS, khoảng 5 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác định.

Trung Quoc phan ung cham tre voi Covid-19 anh 1

Trung Quốc bị chỉ trích nặng nề khi phản ứng chậm chạp với dịch SARS hồi năm 2003. Ảnh: History.

Lịch sử lặp lại sau gần 20 năm

Sau gần 20 năm, một lần nữa CDC Trung Quốc hứng vô số chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với dịch Covid-19. Báo chí đã lật tẩy việc chính quyền thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cố tình che giấu dịch gần một tháng, khiến dịch bùng nổ. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cho biết một nguyên nhân nữa khiến Trung Quốc không thể kiềm chế dịch.

Đó là bộ máy y tế quan liêu, cồng kềnh. Trên thực tế. CDC Trung Quốc không có quyền ra cảnh báo. “CDC không gì khác ngoài một bộ phận kỹ thuật cấp thấp trong hệ thống y tế Trung Quốc”, SCMP dẫn lời từ Zhong Nanshan, một chuyên gia y tế nổi tiếng có kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân mắc SARS năm 2003.

Không giống như các trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ, CDC Trung Quốc không hoạt động độc lập mà trực thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC).

“CDC là một tổ chức nghiên cứu, chỉ công bố báo cáo để hỗ trợ NHC xử lý các dịch bệnh. CDC không có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp hay xử lý các ca lây nhiễm. CDC cũng không có quyền huy động nguồn lực y tế hay triển khai nhân sự tới các khu vực ở Trung Quốc”, giáo sư Xi Chen thuộc Trường Y tế Công Yale giải thích.

“Chính phủ Trung Quốc cần chủ động đầu tư vào CDC và cho phép cơ quan này huy động nguồn nhân lực và vật tư y tế, có quyền hỗ trợ các chính quyền địa phương”, chuyên gia này nhận định.

Trung Quoc phan ung cham tre voi Covid-19 anh 2

Mạng lưới kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Trung Quốc phản ứng thiếu hiệu quả với dịch Covid-19. Ảnh: NYT.

Trung Quốc sở hữu mạng lưới trung tâm kiểm soát dịch bệnh lớn nhất thế giới với 3.443 cơ sở hoạt động tính tới cuối năm 2018 và khoảng 60% ở khu vực nông thôn, nhưng ngân sách dành cho tổ chức này thua xa các tổ chức tương tự ở nhiều nước phát triển.

Theo OECD, năm 2017 Canada dành khoảng 6,2% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe cho phòng ngừa dịch bệnh. Đây là mức cao nhất thế giới, tiếp theo là Anh với 5,2%, Italy 4,2 %, Mỹ và Nhật Bản 2,9%.

Trung Quốc dành khoảng 2,3% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe - tương đương 4,9 tỷ USD - cho mạng lưới trung tâm kiểm soát dịch bệnh năm 2017. Mỹ chi hơn gấp đôi con số này (11 tỷ USD) dù dân số chỉ bằng một phần tư Trung Quốc.

Một cuộc khủng hoảng

Trên thực tế, từ năm 2002 đến 2005, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào mạng lưới CDC. Tuy nhiên, tính từ 2002 đến 2012, đầu tư của chính phủ cho mạng lưới CDC giảm từ 0,125% ngân sách xuống 0,105%, theo Guangming Daily.

"Chi tiêu chính phủ dành cho hệ thống CDC thua xa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế", Guangming Daily khẳng định. Giáo sư Wang Shaoguang thuộc Đại học Tùng Hoa mô tả việc Bắc Kinh giảm đầu tư vào mạng lưới CDC kể từ năm 2008 là một "cuộc khủng hoảng".

Theo thống kê chính thức, hơn 70% chi phí y tế ở Trung Quốc được dành cho các bệnh viện công và bảo hiểm y tế, 17% dành cho y tế công cộng bao gồm hệ thống CDC. Dù vậy, chính quyền các địa phương chỉ phân bổ một phần nhỏ ngân sách cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19, chính quyền phân bổ 67 triệu NDT (9,3 triệu USD) - tương đương 0,09% tổng chi ngân sách tỉnh trong năm 2018 - cho công tác phòng chống dịch bệnh. Ở tỉnh Chiết Giang, tỷ lệ chỉ là 0,206%.

Theo một nghiên cứu về 11 CDC cấp quận tại 5 tỉnh Trung Quốc do Trung tâm Y tế Nhà nước công bố năm 2019, tỷ lệ nợ của các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại các khu vực kém phát triển lên tới 40% vào năm 2017, cao hơn nhiều mức trung bình quốc gia 8,3%. Đây cũng là năm Bắc Kinh bãi bỏ 3 loại phí dịch vụ kiểm tra sức khỏe.

Trung Quoc phan ung cham tre voi Covid-19 anh 3

Bên trong một khu chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: AP.

Nhiều cơ sở CDC tại các cấp địa phương phải duy trì hoạt động dựa trên doanh thu từ các dịch vụ thương mại, mặc dù điều này mâu thuẫn với mục đích thành lập của một trung tâm y tế công cộng được tài trợ đầy đủ từ chính phủ.

Ví dụ, một cơ sở kiểm soát dịch bệnh tại thành phố Hà Trạch (tỉnh Sơn Đông) được tài trợ 60 triệu NDT (tương đương 8,6 triệu USD) từ chính phủ trong năm 2014; song lại thu về 51 triệu NDT (7,3 triệu USD) từ việc thu phí kiểm tra sức khỏe của người dân.

Các chương trình tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em do nhà nước Trung Quốc tài trợ thông qua các bệnh viện và các cơ sở y tế hoàn toàn được miễn phí, song một số cơ sở địa phương lại lợi dụng kiếm doanh thu từ dịch vụ này.

Bên cạnh đó, các trung tâm kiểm soát và dịch bệnh tại Trung Quốc cũng đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trong nhiều năm qua.

Dịch Covid-19 đập nát tham vọng bá chủ hàng không thế giới của TQ

Khi dịch virus corona chủng mới bùng phát, hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ hạn chế giao thông hàng không với Trung Quốc.

Doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ, TQ sẽ trở thành 'nền kinh tế rỗng'

Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với thiệt hại nặng nề khi các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây giảm sự phụ thuộc vào hạ tầng sản xuất nước này vì dịch virus corona chủng mới.

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm