Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã hai lần phát cảnh báo đi lại cho công dân nước này có ý định đến Mỹ, trong khi các kênh truyền thông chính thống cổ xúy tâm lý bài xích Mỹ.
CNN nhận định đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc thương chiến kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Xem Mỹ là nơi không an toàn
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đầu tháng 5 đã nâng mức thuế nhắm vào 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên đến 25%.
Mỹ còn mở một cuộc chiến công nghệ với quyết định đưa Huawei vào "danh sách đen", buộc những công ty Mỹ muốn làm ăn với tập đoàn này phải xin giấy phép đặc biệt. Ngay sau đó, một loạt đối tác quan trọng của Huawei ở Mỹ và những nước đồng minh đã tẩy chay gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Đáp trả những đòn tấn công kinh tế, chính phủ Trung Quốc bắt đầu tăng mức thuế đối với gần 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Giới chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định sẽ có "những biện pháp đáp trả cần thiết" và đủ khả năng bảo vệ lợi ích của các công ty nội địa.
Các cơ quan chính phủ Trung Quốc tuần này liên tiếp khuyến nghị công dân nước này cẩn thận khi du lịch, làm việc và học tập ở Mỹ. Ảnh: Đại học Yale. |
Giữa lúc chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, các cơ quan chính phủ Trung Quốc tuần này liên tiếp ra cảnh báo an ninh đối với công dân đang ở Mỹ. Những thông báo này tạo nên tâm lý rằng Mỹ dần trở thành một nơi không an toàn đối với người Trung Quốc.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ngày 4/6 cảnh báo công dân về các rủi ro khi du lịch tại Mỹ. Cơ quan này bày tỏ quan ngại trước nhiều vụ "xả súng, cướp của và trộm cắp" ở Mỹ thời gian qua.
Cũng trong ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cùng đại sứ quán và các lãnh sự quán tại Mỹ, bất ngờ ra cảnh báo an ninh cho công dân nước này. Các cơ quan ngoại giao Trung Quốc cáo buộc xuất hiện tình trạng lực lượng chấp pháp tại Mỹ "quấy rối liên tục" nhắm vào công dân nước này.
Hai thông báo trên đều khuyến nghị công dân Trung Quốc "tăng cảnh giác về mức độ an toàn" tại Mỹ. Chỉ một ngày trước đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cảnh báo học sinh và học giả nước này về những rủi ro khi sang Mỹ do những rắc rối về thị thực ngày một tăng.
"Kẻ thù của thế giới"
Ngoài cảnh báo đi lại, Bắc Kinh còn mở một chiến dịch tuyên truyền lớn về cuộc thương chiến, cáo buộc Mỹ theo đuổi "bá quyền" và "bắt nạt thương mại". Trong bài viết đăng ngày 4/6, People Daily còn gọi Mỹ là "kẻ thù của thế giới".
Ngoài những bài bình luận và xã luận chống Mỹ, truyền thông Trung Quốc còn bắt đầu đề cập đến Chiến tranh Triều Tiên gần 70 năm trước.
Đài truyền hình quốc gia CCTV đang chiếu lại nhiều phóng sự cũ liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên. Nổi bật trong số này là bộ phim tài liệu Cuộc đại chiến chống Mỹ và hỗ trợ Triều Tiên, với nhiều hình ảnh lịch sử và lời dẫn kêu gọi tinh thần yêu nước.
Trung Quốc trong nhiều thập niên luôn ca ngợi trận chiến trên Sanggamnyong (đồi Thượng Cam Lĩnh) tại Triều Tiên vào năm 1952. Bắc Kinh xem trận chiến này là bước ngoặt của cuộc chiến, ca ngợi sự kiên cường và hy sinh của tình nguyện quân Trung Quốc đã "đánh bại" lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Truyền hình Trung Quốc bắt đầu chiếu lại những bộ phim và phóng sự tài liệu liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên, trong đó bao gồm trận chiến ở đồi Thượng Cam Lĩnh. Ảnh: Weibo. |
Dù con số thương vong chính xác vẫn còn gây tranh cãi, cả quân đội Mỹ lẫn Trung Quốc đều chịu thiệt hại hàng nghìn người sau hơn 40 ngày chiến đấu khốc liệt. Các bài viết, sách giáo khoa và điện ảnh Trung Quốc luôn ca ngợi lực lượng tình nguyện quân dù bị áp đảo về hỏa lực đã giành được chiến thắng tuyệt đối.
"Quân đội Mỹ thiệt hại nặng nề, đến mức Thượng Cam Lĩnh trở thành 'ngọn đồi đau buồn' của lực lượng này. Đó là thời khắc khởi đầu sự công nhận của thế giới đối với sức mạnh của quân đội Trung Quốc", một tài khoản được bảo chứng bởi cơ quan an ninh mạng Trung Quốc ngày 3/6 đăng tải trên mạng xã hội nước này.
Tài khoản này khẳng định những bộ phim kháng Mỹ hàng chục năm trước đang được người dân Trung Quốc quan tâm trở lại. Kèm theo nội dung đăng tải là đoạn phim phỏng vấn một quân nhân từng tham chiến ở Triều Tiên, gọi bà là "xương sống của nước Trung Quốc mới".
Tờ Study Times, cơ quan ngôn luận của Trường Trung ương Đảng tại Bắc Kinh, ngày 5/6 đăng bài xã luận nhắc rằng Trung Quốc đã từng trực tiếp đối đầu và đẩy lùi siêu cường kinh tế - quân sự cùng chiến lược "ngoại giao hăm dọa" trong Chiến tranh Triều Tiên. Bài viết đánh giá quá trình đàm phán đình chiến thành công sau hai năm vì Trung Quốc "phát huy tối đa tinh thần không run sợ trước sức ép, dám chiến đấu và chiến đấu ngoan cường".
"Hai năm đàm phán chứng tỏ cho cả thế giới thấy: Những gì Mỹ không thể đạt được trên bàn đàm phán, họ cũng không thể đạt được thông qua máy bay ném bom và đại bác", tác giả bài viết lập luận.
Tuyên truyền chưa chắc hiệu quả
Nhiều nhà quan sát chính trường Trung Quốc nghi ngờ chiến lược truyền thông mà Bắc Kinh đang theo đuổi có thể giúp cải thiện tình hình.
"Trung Quốc nghĩ rằng những thông điệp tuyên truyền ngày một hung hăng của họ phục vụ được những mục tiêu trong nước, nhưng liệu họ có lường trước việc chọc giận chính phủ ông Trump và giảm triển vọng quay lại đàm phán trong tương lai gần", Bill Bishop, người quản lý trang tổng hợp tin tức Sinocism nổi tiếng ở Trung Quốc, ngày 5/6 gửi các độc giả của ông.
Từ trước khi Bắc Kinh đưa ra hàng loạt cảnh báo đi lại, thống kê của cơ quan chính phủ Mỹ cho thấy du khách Trung Quốc năm 2018 đã giảm 5% còn khoảng 2,99 triệu lượt, cùng lúc với thời điểm chiến tranh thương mại giữa hai nước nổ ra. Đây là lần đầu tiên trong vòng 15 năm số lượt du khách Trung Quốc sang Mỹ giảm trong hai năm liên tiếp.
Nhiều nhà quan sát cảnh báo chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh có thể chọc giận Washington và giảm cơ hội các bên sớm quay lại đàm phán. Ảnh: Reuters. |
Hơn 1/3 tổng số du học sinh nước ngoài đến Mỹ trong năm học 2017-2018 là công dân Trung Quốc. Ngành cung cấp dịch vụ giáo dục cho du học sinh nước ngoài năm đó đóng góp cho nền kinh tế Mỹ gần 39 tỷ USD, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà giáo dục Quốc tế (NAFSA).
Sau cảnh báo ngày 3/6 của Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhiều nhà phân tích bắt đầu dự báo số lượng du học sinh nước này đăng ký tại các đại học Mỹ sẽ bắt đầu giảm. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng sự lo lắng đang bị thổi phồng.
"Tôi không thể phỏng đoán chính phủ các nước nghĩ hay làm gì. Tuy nhiên, với hàng trăm sinh viên của chúng tôi, tôi không nhìn thấy bất kỳ vấn đề nào về thị thực xảy ra", Tomer Rothschild, nhà đồng sáng lập Elite Schools of China (ECS), hãng tư vấn giáo dục mỗi năm hỗ trợ hơn 150 sinh viên Trung Quốc trúng tuyển đại học tại Mỹ, nhận định.
"Tôi đã thông báo với các phụ huynh họ cần hành động lý trí và giữ bình tĩnh", ông nói.