Năm 2015 chứng kiến hàng loạt những dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tuyên bố chung về việc kết thúc đàm phán TPP được chính thức đưa ra sau cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tháng 10/2015 và chính thức ký kết ngày 4/2/2016. Đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) kết thúc sau đó chỉ trong thời gian 3 năm. Cả hai FTA thế hệ mới này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích trong thương mại nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong tương lai.
Là một trong những FTA kiểu mới đầu tiên, TPP không chỉ bó buộc lại trong các vấn đề thương mại hàng hóa mà còn tham vọng hơn, nhằm viết lại luật chơi thương mại toàn cầu. Điều này mang lại không chỉ cơ hội mà còn cả những thách thức, gắn liền với đó là được và mất cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, hội nhập đồng nghĩa với việc Việt Nam phải cạnh tranh với tất cả các nước tham gia, không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn cả thị trường trong nước.
Thương mại là một cuộc chơi công bằng và khốc liệt, trong đó mỗi nước sẽ tập trung phát triển những mặt hàng có lợi thế so sánh. Bởi về cơ bản, không một quốc gia nào có thể có lợi thế so sánh ở tất cả các mặt hàng. Việc xác định rõ những mặt hàng nào có lợi thế và đâu là những mặt hàng khó cạnh tranh là cần thiết tại thời điểm này.
Đâu là ưu thế?
Sản phẩm có lợi thế rõ ràng thuộc những ngành Việt Nam đang có giá trị xuất khẩu lớn và cạnh tranh tốt tại thị trường quốc tế. Ưu thế trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn ở nhóm hàng gia công, thâm dụng lao động. Trong khi về nông nghiệp, chỉ có các mặt hàng thủy sản và chế biến thủy sản là cạnh tranh tốt tại các nước TPP.
Thủy sản là mặt hàng kỳ vọng sẽ có xuất khẩu tăng vọt sau khi TPP được ký kết. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Xuất khẩu 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chính theo mã HS cấp 2 của Việt Nam sang TPP năm 2014 đạt 45,2 tỷ USD, tương đương 77,4% tổng xuất khẩu tới các nước này. Các mặt hàng chính bao gồm quần áo và may mặc (HS 61, 62); giày dép (HS 64); các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử (HS 85); đồ dùng nội thất (HS 94);... Trong đó, Nhật Bản và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chính và chiếm tới 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam-TPP.
Về mặt lợi ích trực tiếp, thuế quan giảm sau khi TPP có hiệu lực sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước TPP.
Lấy ví dụ ngành dệt may, xuất khẩu nhóm hàng này hiện chiếm khoảng 23% tổng xuất khẩu sang các nước TPP, trong đó phần lớn là sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, thuế suất đánh lên hàng dệt may của Việt Nam hiện ở mức tương đối cao (17,5% ở Mỹ, 17% ở Canada và Peru, hay 30% ở Mexico).
Theo quy định, thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ giảm 50% ngay trong năm đầu TPP có hiệu lực, tương đương giá trị khoảng 1 tỷ USD. Đồng thời, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” có một số linh hoạt thứ 3 trở đi vào Mỹ vẫn được hưởng ưu đãi theo TPP. Điều này sẽ giúp hàng hóa dệt may của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường các nước TPP, đặc biệt là Mỹ.
Thách thức đánh mất lợi thế cạnh tranh
Không chỉ đem lại lợi ích, thương mại tự do cũng buộc các nước phải hy sinh những ngành không còn lợi thế cạnh tranh.
Đối với Việt Nam, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chăn nuôi sẽ là ngành chịu nhiều bất lợi nhất sau khi gia nhập TPP. Điều này chủ yếu do các nước trong TPP đều là những nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Úc hay New Zealand. Đồng thời, chăn nuôi tại Việt Nam vốn vẫn bị coi là ngành kém cạnh tranh, không bền vững và dễ chịu tác động xấu của các hiệp định thương mại tự do.
Dỡ bỏ hàng rào thuế quan không chỉ giúp hàng Việt dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo cơ hội cho các sản phẩm có lợi thế từ các nước đối tác thâm nhập vào trong nước. Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay của ngành chăn nuôi, các sản phẩm chăn nuôi sẽ khó có cơ hội cạnh tranh ngay cả tại thị trường nội địa.
Trong một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các tác giả chỉ ra rằng toàn bộ ngành chăn nuôi nói chung sẽ thu hẹp sản xuất sau khi tham gia TPP. Sản phẩm từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Úc và Mỹ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm nội.
Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng thịt nóng hơn là thịt đông lạnh hiện nay của người Việt có thể giúp trì hoãn tác động này trong ngắn hạn. Ngoài ra, một số mặt hàng chăn nuôi hiện vẫn có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập do các rào cản thương mại tự nhiên (sữa tươi, trứng...) hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách.
Lợn mán được cho là một trong những sản phẩm của Việt Nam có thể cạnh tranh khi gia nhập TPP. Ảnh minh họa: HG. |
Cần lưu ý rằng thói quen thay đổi sẽ thay đổi dần theo thời gian. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi đang được hưởng lợi từ các rào cản tự nhiên kể trên hiện vẫn đang có năng suất thấp và/hoặc không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Do vậy, nhìn tổng thể hàng hóa chăn nuôi trong nước vẫn sẽ chịu sự cạnh tranh lớn từ bên ngoài.
Dù là cơ hội hay thách thức, có lợi thế hay yếu thế, hội nhập thương mại luôn mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Tự do hóa thương mại sẽ thúc đẩy phát triển các ngành có lợi thế so sánh, đồng thời, việc thu hẹp những ngành yếu thế là không thể tránh khỏi.
Với Việt Nam, chúng ta cần phải xác định rõ rằng những mặt hàng đang có lợi thế cạnh tranh hiện vẫn là những mặt hàng đòi hỏi lượng lớn lao động và các mặt hàng thủy sản. Trong khi đó, các sản phẩm chăn nuôi yếu thế sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ phía các thành viên TPP còn lại.