Chia sẻ trong hội thảo "TPP: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khi gia nhập TPP, Việt Nam có nhiều thách thức và cơ hội. Theo đó, một số ngành sẽ phát triển đột phá nhưng một số lĩnh vực sẽ cực khó khăn.
Thách thức đối với Việt Nam khi gia nhập TPP là rất lớn. Theo đó, đến 2018, thuế xuất khẩu của hầu hết hàng hóa trong nước sẽ giảm nhanh. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT) và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều khả năng cao, hàng Việt đối mặt nguy cơ kiện bán phá giá.
"Thông qua TPP, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường một cách toàn diện, cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Việc này sẽ đem lại lơi ích to lớn cho nền kinh tế và người tiêu dùng", ông Doanh nhấn mạnh.
Khi tham gia hiệp định này, Việt Nam cam kết giảm 10.000 dòng thuế. Heo, bò, gà có lộ trình 4-13 năm và hành, tỏi, nấm v.v. sẽ có lộ trình 3-6 năm.
Tham gia TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Doanh chỉ ra, Việt Nam có thế mạnh về dệt may, túi xách, da giày, đồ gỗ, điện thoại (Samsung) nông sản, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam rẻ hơn. Các hàng hóa của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của TPP sẽ được hưởng thuế suất 0%, có thể tăng mạnh xuất khẩu.
Để tham gia TPP một cách có hiệu quả và trọn vẹn, theo ông, cần phải đẩy mạnh cải cách, thự hiện công khai, minh bạch cũng như cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh...
"Bên cạnh đó, khi tham gia TPP, Việt Nam như vươn ra biển lớn. Song sóng to biển lớn đòi hỏi chúng ta phải có những thuyền trưởng giỏi và dũng cảm", ông Doanh nhấn mạnh.
Ông Mr. Alex Maskiell, Bí thư thứ hai, Bộ phận Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội cho biết, dưới tác động của TPP, các nước tham gia cùng đều có những cơ hội và thách thức khá nhau. Với riêng Việt Nam, nếu hợp tác kết hợp các nền kinh tế thì tiềm năng sẽ rất lớn.
Khi gia nhập TPP, ông Alex hy vọng doanh nghiệp Việt Nam có bước thay đổi tích cực bởi áp lực từ TPP với các doanh nghiệp Nhà nước không quá lớn. Theo ông, việc này phụ thuộc vào bản thân họ và Chính phủ Việt Nam có thay đổi hay không, chứ không phải Việt Nam vào TPP để thay đổi.
Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thương mại AIDA Việt Nam, Hoàng Trung Dũng cho rằng, TPP luôn luôn mở ra các cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt có thể giao lưu, kết nối và làm kinh doanh với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Qua đó, Việt Nam sẽ có một sự dịch chuyển về mặt nhân lực, nguồn vốn cũng như là cơ hội kinh doanh sòng phẳng rõ ràng hơn với các quốc gia. Cũng theo đó, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện chất lượng hàng hóa, bởi các yêu cầu của TPP là rất cao.
Song, theo ông Dũng, quy mô và nguồn lực cũng như kinh nghiệm làm việc của doanh nghiệp Việt Nam không tốt ví như yêu tố con người, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc...
"Trong hội nhập, Việt Nam sẽ rất khó khăn và khó khăn ngay trên sân nhà. Bởi doanh nghiệp Việt Nam làm ăn rất manh mún, nhỏ lẻ, không có tính liên kết. Do đó, bản thân doanh nghiệp khó có thể phát triển lớn ngay trong một thời gian ngắn.
"Nhưng chúng ta có thể liên kết các doanh nghiệp lại. Mỗi đơn vị có thể tham gia một phần trong chuỗi giá trị gia tăng và sẽ có được công ty, cơ hội lớn hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn doanh nghiệp đủ tâm, tầm, sức, tài, lực… để phát triển lớn hơn. Do đó, các doanh nghiệp lớn phải gắn kết với nhau mạnh mẽ hơn, để mỗi đơn vị mang lại giá trị lớn cho riêng mình", ông Dũng cho hay.