Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng Thái, Nhật sẽ giết chết hàng Việt trong siêu thị?

Với việc "bán mình" của nhiều cái tên siêu thị và sự đổ bộ của tập đoàn "cá mập" ngoại, hàng hóa từ Thái Lan, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ chiếm lĩnh thị phần, đánh bại hàng Việt.

Hàng Thái Lan đã xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 10 năm nay, song chỉ đến khi nhiều doanh nghiệp Thái ồ ạt tiến vào, nguy cơ chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa nước này tại Việt Nam mới thấy rõ. Gần đây, nhiều siêu thị Việt chấp nhận "bán mình" cũng dự báo xu hướng tràn lan hàng Nhật tại thị trường trong nước. 

"Cá mập" ngoại ồ ạt chiếm lĩnh thị trường

Tháng 1/2015, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group thâu tóm 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Cũng trong tháng 1/2015, đại gia đến từ Nhật Bản AEON - một trong những nhà bán lẻ lâu đời và lớn nhất Nhật Bản bung tiền mua 30% cổ phần Fivimart và 49% của Citimart. Một cái tên khác cũng từ Nhật Bản là Tập đoàn bán lẻ điện tử tiêu dùng Nhật Bản Nojima đã mua 20% cổ phần của Trần Anh Group.

2015 là năm đổ bộ của của nhiều doanh nghiệp "cá mập" nước ngoài trên thị trường bán lẻ. Nhiều siêu thị trong nước phải "bán mình". Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Cuối năm 2015, Tập đoàn bán lẻ Pháp Casino Group công bố chuyển nhượng lại hoạt động kinh doanh của chuỗi siêu thị Big C tại một số thị trường trọng điểm, trong đó có Việt Nam. Ngay lập tức cuộc đua tranh thâu tóm Big C đã được đẩy lên cao trào. Nhiều khả năng, Central Group sẽ tiếp tục thành công trong thương vụ thâu tóm Big C Việt Nam ngay trong tháng 1/2016.

Sau thời gian dài đàm phán suốt năm 2015, tháng 1/2016, chuỗi siêu thị Metro Việt Nam cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng cho Tập đoàn TCC - tiếp tục là một "cá mập" trong ngành bán lẻ Thái Lan. Metro hiện đang có 19 trung tâm và các bất động sản được định giá 655 triệu euro.

Theo khảo sát, hiện tại, độ phủ sóng hàng Thái, Nhật tại các chợ, trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP HCM và một số thành phố lớn đã tương đối rộng. Sắp tới, hàng hóa nước này sẽ có thể chiếm số lượng cực lớn trên các kệ siêu thị, khi những doanh nghiệp "cá mập" tràn vào Việt Nam. 

Điểm sáng duy nhất mang dấu ấn doanh nghiệp Việt trong năm 2015 là thương vụ của Tập đoàn Vingroup khi tháng 3/2015 mua 80% cổ phần của triển lãm Giảng Võ, và tháng 4 mua 100% cổ phần Vinatextmart.

Theo nhận định của bà Đỗ Thu Hằng - trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam, năm 2015 đáng được đánh giá là năm của mua bán và sáp nhập trên thị trường bán lẻ.

Đồng thời năm 2016, thị trường vẫn sẽ ghi nhận nhiều thương vụ đình đám được khởi động từ phía các đại gia nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã đàm phán thành công Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như một loạt các hiệp định hợp tác song phương, đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức thế giới. 

Thay đổi hoặc diệt vong

Nhìn vào bức tranh M&A năm 2015, việc các đại gia nước ngoài liên tiếp đổ bộ vào thị trường bán lẻ của Việt Nam cho thấy đây là sân chơi đầy tiềm năng. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp Việt gần như đã thúc thủ trên chính sân nhà. 

Khi đối tác ngoại thâu tóm thành công thị trường bán lẻ, sản phẩm “made in Vietnam” nhiều khả năng sẽ không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại trên kệ hàng của các ông chủ nước ngoài.

Câu chuyện của Big C, Metro, Trần Anh… vốn đã rất thành công trong những năm tháng quá khứ, nhưng nhanh chóng giảm mạnh thị phần tại thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây cho thấy thị hiếu của người tiêu dùng đã phần nào thay đổi. Sự yếu thế của doanh nghiệp trong nước cũng được thể hiện ở việc bán cổ phần cho đơn vị nước ngoài.  

"Số tiền Việt Nam đầu tư cho an toàn thực phẩm bằng 1/36 của Thái Lan, bằng 1% của Mỹ. Đó là lý do người có thu nhập bậc trung và cao ưa chuộng dùng hàng nhập khẩu nước ngoài hơn hàng nội địa".

Ông  Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội. 

Ngoài ra, một đối thủ khác đang xuất hiện khiến siêu thị bán lẻ truyền thống có nguy cơ mất thị phần là hệ thống cửa hàng tiện ích nhỏ gọn, tiện lợi, len lỏi vào mọi hang cùng ngõ hẻm.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, loại hình này mới là đối thủ đáng gờm của những doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Chuỗi cửa hàng tiện lợi tiệm cận với văn hóa chợ cóc, chợ dân sinh, hàng tạp hóa của người Việt hơn là thói quen đi siêu thị.

Thời buổi hội nhập, hàng hóa ngoại tràn vào Việt Nam cũng khiến cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Ảnh: Anh Tuấn.

Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, việc thị trường trong nước bị những thế lực doanh nghiệp bên ngoài thâu tóm đã là hiện thực hiện tại, không còn là câu chuyện tương lai.

Để xảy ra hiện tại này, theo ông Phú, trước hết phải nhìn nhận khâu quản lý, điều hành. Việt Nam đang duy trì chủ trương khuyến khích doanh nghiệp ngoại đầu tư vào trong nước, ví dụ như Metro, Big C được miễn rất nhiều loại thuế phí, được ưu đãi về mặt bằng vị trí đẹp. Trong khi đó, câu hỏi cần đặt ra là doanh nghiệp bán lẻ nội địa nhận được ưu đãi gì.

Ông Phú cho rằng, chính cách quản lý hiện nay đã làm cho thị trường bán lẻ trong nước tự chết. "Số tiền Việt Nam đầu tư cho an toàn thực phẩm bằng 1/36 của Thái Lan, bằng 1% của Mỹ. Đó là lý do người có thu nhập bậc trung và cao ưa chuộng dùng hàng nhập khẩu nước ngoài hơn hàng nội địa", ông nói.

Thứ hai, các chợ truyền thống, siêu thị bán lẻ của người Việt không được đầu tư thực sự hiệu quả. Trong khi đó, 87% người có thu nhập mức trung bình và dưới trung bình đều đang mua sắm bằng những loại hình này.

Lãnh đạo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, ông rất hoan nghênh tinh thần tham gia của các tập đoàn trong nước. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi mạo hiểm. Bởi lẽ những đơn vị này sẽ mất nhiều năm làm thương hiệu, tự khẳng định mình trong bối cảnh sức ép cạnh tranh từ những quân đoàn nước ngoài là rất lớn.

"Nếu muốn các doanh nghiệp này tồn tại, phát triển, bảo vệ được thị trường bán lẻ trong nước thì các cấp chính quyền quản lý, Bộ Công Thương, Chính phủ phải có những biện pháp quyết liệt hơn, ưu tiên cho hàng hóa nội địa, doanh nghiệp bán lẻ nội nhiều hơn", ông bình luận. 

Hàng Việt thua đứt hàng Thái, Lào, Campuchia?

Mẫu mã kém, chất lượng chưa tốt, giá thành khó cạnh tranh do mối liên kết giữa khâu sản xuất và phân phối chưa rõ ràng, khiến hàng Việt dần bị mất thị phần ngay trên sân nhà.




Minh Tú

Bạn có thể quan tâm