- Khi TPP mở ra, doanh nghiệp FDI sẽ tràn vào ào ạt với tốc độ chưa từng thấy, bản thân gốm sứ Minh Long đã chuẩn bị gì cho cuộc chơi mới này thưa ông?
- Không phải bây giờ, chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu cho thị trường xuất khẩu. Để chiếm lĩnh ngày càng nhiều những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… sản phẩm phải mang tính cạnh tranh, chất lượng giá cả tốt, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới, vì người nước ngoài ăn nhà hàng nhiều hơn ở nhà. Hiện Minh Long đang mở rộng thị trường Nga, thời gian tới sẽ có triển vọng tốt.
Tốt mà rẻ luôn là mâu thuẫn mà bất cứ nhà kinh doanh nào cũng phải đối diện, người nào xử lý và kiềm chế được mâu thuẫn đó sẽ có cơ hội nhiều hơn. Bên cạnh việc tập trung cải tiến, tiết kiệm chi phí, để cho ra đời hàng ngàn sản phẩm đa dạng và phong phú, cứng, chắc và rất trang nhã cho tiêu dùng hàng ngày với giá cả rẻ hơn sản phẩm của Minh Long từ 20 đến 30%…
Chuẩn bị cho cuộc chơi mới này, chúng tôi đã cho ra đời dòng sản phẩm “ 3 trong 1” Ly’s Horeca với những đặc tính vượt trội hơn những sản phẩm đang bán trên thị trường, dù sản phẩm đang bán vẫn phát triển rất tốt. Ly’s Horeca chuyên dụng cho nhà hàng khách sạn, những quán cà phê sang trọng, những buổi tiệc tùng, cho những người “thích số 1”. Bên cạnh vẻ đẹp thẩm mỹ tinh tế và đầy cá tính, không độc hại là yếu tố được đặt lên hàng đầu
- Sáng kiến mở cuộc thi Chiếc thìa vàng dường như là một “cuộc cách mạng” về marketing với gốm sứ Minh Long?
- Từ xưa tời giờ Minh Long vẫn chủ trương “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng thời điểm này sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng chưa chắc đã thành công. Để người tiêu dùng biết được chất lượng bên trong phải qua một thời gian dài khám phá trải nghiệm, hiệu quả cao, nhưng hạn chế vì tốn thời gian, nhất là khi mình cho ra những phân khúc mới, chiến lược mới.
Trong thị trường ngày càng cạnh tranh, nếu không chọn phương thức quảng bá mới sẽ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Chiếc thìa vàng chính là cách để tạo điều kiện cho phân khúc nhà hàng, nhất là các đầu bếp trứ danh tiếp cận với sản phẩm trực tiếp nhất. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ. Bỏ bao nhiêu tiền quảng cáo cũng không thể mua được những trải nghiệm quý giá ấy. Giải pháp này đã giúp cho người tiêu dùng thực sự có niềm tin.
Thành công của Chiếc thìa vàng không chỉ cho Minh Long, mà còn đóng góp cho xã hội. Tôi muốn chương trình đi sâu vào đời sống, khuyến khích mọi người biết lo cho sức khỏe, ăn uống ngon và lành như cách của ông bà mình. Muốn đưa những món ăn dân dã lên bàn tiệc phải có tài năng của những người đầu bếp. Một cách làm hiệu quả để lan truyền, thúc đẩy văn hóa ẩm thực Việt Nam, quảng bá du lịch, văn hóa…
Hoài bão lớn vậy nhưng tác dụng tới đâu đòi hỏi mọi người cùng xây dựng, cùng làm. Nói cho cùng, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nếu không có may mắn thì khó mà thành công. Nhưng trước khi có may mắn thì mình phải tận nhân lực mới tri thiên mệnh. Phải cố gắng hết cách rồi mới nhờ trời. Nếu chưa làm hết cách đã đầu hàng số phận thì làm sao thành công.
- Để thoát khỏi sức ép của Trung Quốc và những thương hiệu bán lẻ khổng lồ ngay trên sân nhà, chiến lược phân phối của Minh Long có gì khác biệt?
- Minh Long luôn có hai hệ thống phân phối song song. Ngoài kênh phân phối truyền thống với những cửa hàng sang trọng chuyên phân phối và bán sản phẩm của Minh Long, còn có hệ thống phân phối đưa đến tận tay người tiêu dùng, làm sao cắt hết mọi chi phí phân phối để sản phẩm cạnh tranh nhất. Như hai loại máy bay hạng sang và giá rẻ cho hai đối tượng tiêu dùng khác nhau, với hai cách kinh doanh phù hợp từng xu hướng.
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty gốm sứ Minh Long bên những sản phẩm gốm sứ của công ty. |
Không có cách kinh doanh nào là tốt hay xấu, quan trọng là làm cho đúng, cho phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm. Chi phí cho từng hệ thống phân phối của Minh Long cũng tùy từng ngành hàng bán nhanh hay bán chậm. Nếu kinh doanh ngành hàng tiêu dùng nhanh, đáp ứng nhu cầu hàng ngày, bình thường của khách hàng thì lợi tức Minh Long giành cho đại lý không cao. Còn hàng xa xỉ bán chậm thì lợi nhuận cao hơn.
Chính sách giá lỏng tùy theo dải sản phẩm khác nhau, luôn linh hoạt tùy theo từng thời điểm, vì không có đôi giày nào có thể mang vừa hết mọi cái chân. Cũng nguyên tắc này, kênh bán lẻ sẽ có chính sách khác kênh bán sỉ, khác với kênh siêu thị. Cái khó là làm sao cho hai hệ thống này đừng mâu thuẫn, xung đột nhau, đòi hỏi cả một nghệ thuật.
Gốm sứ Minh Long cũng là một trong số ít thương hiệu của Việt Nam đã tiến ra toàn cầu từ rất sớm thông qua hệ thống siêu thị, cung ứng cho khách hàng đến một điểm có thể mua được nhiều thứ. Nhưng khi khàng hàng nước ngoài muốn mua những món đồ đặc biệt của Minh Long thì không thể ra siêu thị. Minh Long có một một Minhsang Plaza 3000 m2, như một bảo tàng gốm sang trọng nằm ngay ở thủ phủ Bình Dương, để chuyển tải hết tâm huyết của chủ nhân giành cho gốm sứ.
Ở đây không chỉ bán và trưng bày một sản phẩm độc nhất, đó là gốm sứ Minh Long, mà còn dẫn dắt khách hàng vào một câu chuyện đầy thi vị về dòng họ mấy đời sống chết với nghề tổ, như một cách quảng bá văn hóa sống động và hấp dẫn qua sản phẩm. Không những thế, Minh Long còn có hệ thống bán buôn phục vụ cho nhà hàng khách sạn cao cấp, với những dải sản phẩm riêng đầy cá tính.
- Rất nhiều người đang nóng lòng chờ đợi tác phẩm nghệ thuật lớn nhất của ông, đó là ngày khánh thành nhà máy nằm trên mảnh đất thiêng của dòng họ
- Tôi rất muốn hoàn thành sớm, nhưng “tuồng hát” nào cũng vậy, đoạn cuối là khó nhất. Phải kết câu chuyện thế nào cho đẹp nhất đâu có dễ. Muốn giở một trang sử khác cho người khác hát tuồng là chuyện khó của người đi trước. Phải thêm thắt vô để bức tranh được hoàn thiện vẹn toàn, có ý nghĩa. Nhà máy là một công trình xây dựng nhưng bên trong ẩn chứa rất nhiều tác phẩm để đời, đó quả thực là thách thức đối với bản thân tôi.
Tôi là người luôn làm khó chính mình. Giờ hỏi chừng nào kết thức tôi cũng không biết, tôi không vội bẻ trái còn xanh. Mọi người chờ chút xíu đi… Đem các nhà thầu lớn vô cũng là để họ phải thúc mình.
Bên cạnh đó, phải lo ăn uống cho cả “đoàn hát” gần 3.000 con người, đủ thứ chuyện. Ai cũng muốn kéo màn cho xem, có ai biết sau bức màn nhung nỗi khổ của các diễn viên?
- Vận hội mới đang mở ra, nhưng nhìn lại đội ngũ doanh nhân, mất mát tổn thất không nhỏ, tinh thần chản nản, mất tính chủ động đang âm ỷ… tâm trạng riêng của ông như thế nào?
- Nhìn lại cũng đầy vui buồn. Vui khi WTO, TPP mở ra, sàn đấu sẽ lớn hơn, thử thách sẽ gay gắt hơn, những người thực sự giỏi mới có thể trụ lại. Nhưng rất tiếc cũng có những người giỏi mà không may mắn đã không biết cách né tránh bão tố để đến được cơ hội này. Rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, đau buồn, sụp đổ…đó là quy luật phát triển, phải chấp nhận không có cách nào khác…
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ anh em, thời nào cũng có cái khó, cái dễ, phải luôn tìm cách xử lý mâu thuẫn. Nghĩ hoài sẽ có cách giải quyết. Phải chịu khó, kiên nhẫn, tìm mọi cách để khắc phục, thích ứng với từng hoàn cảnh sẽ tốt hơn ngồi đó để chờ thời, than hoài không giúp được gì hết.
- Chưa lúc nào các nhà sản xuất, nhất là nhà công nghiệp lại chịu thử thách dữ dội như lúc này?
- Chỉ có thích ứng mới cơ may sống sót trong cơn bão. Thời điểm tăng trường thấp chính là lúc để mình tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn trong xây dựng thương hiệu, tiết kiệm chi phí. Trong cơn bão mà căng buồm ra khơi là nguy hiểm vô cùng, phải né bão mới đánh bắt được những mẻ cá trong tương lai.
Tôi không lạc quan, mà cũng không bi quan. Chuyện xã hội, chuyện thế giới, chuyện Nhà nước là 3 chuyện mình không làm được gì hết. Bổn phận một người dân, doanh nghiệp phải làm sao phù hợp cuộc sống, xu thế thời đại. Tôi tin mọi chuyện sẽ diễn biến khả quan hơn. Nhà nước cũng phải thay đổi để làm cho phù hợp với thời đại.
Một nền kinh tế vững cần có những nhà công nghiệp lâu đời. Nước Đức, Thụy Sĩ không lớn, không có công ty lớn nhưng rất nhiều công ty nhỏ làm một nghề rất nhiều đời, đồ họ luôn tốt nhất, như đồng hồ Thụy Sĩ, công cụ giải phẫu Thụy Sĩ. Máy móc chuyên dùng ngay cả Mỹ cũng phải mua của Đức. Những nhà công nghiệp lâu đời mấy trăm năm đều nằm ở Đức. Những nước ít bão tố nhất đều có những nhà công nghiệp lâu đời, nhiều thế hệ. Làm công nghiệp phải có tính kế thừa.
- Triết lý nào giúp ông giữ được sự an nhiên tự tại?
- Lo cho mình mới lo được cho thiên hạ
- Điều gì ông muốn truyền lại cho các con?
- Chia sẻ rất thật cách sống của mình. Câu chuyện của mình là cái lý của tạo hóa, cái lý của sự vật. Phật nói “ Vạn vật đồng nhất thể, tức đồng nhất lý. Suy lý tức thông được vạn vật”…
- Kiến thức của ông có được nhờ đâu?
- Tôi đã đi hết gần nửa trái đất, gần 50 nước rồi. Đi là cách thức quan sát, học hỏi về lối sống, con người, văn hóa một địa phương, kể cả kỹ thuật của tộc người đó trong xây dựng, làm ăn. Tôi học cách thích ứng với môi trường, hoàn cảnh của tạo hóa. Từ cảnh vật đến hoa trái đều có ẩn ý trong đó hết. Những nhà khoa học phát minh sáng kiến đều bắt đầu từ mô phỏng tạo hóa. Chiếc máy bay là mô phỏng từ con chim, con chuồn chuồn, đâu phải tự nhiên mà có.
Tôi rất thấm thía câu nói của một danh nhân, dù bạn có cả triệu USD thì con số 1 là con số quan trọng nhất, từ đó phải biết thương mình. Trong máy bay khi mất không khí người mẹ phải lo mình trước mới lo cho con. Mình mất thì sự nghiệp ai lo. Mọi người cứ mải mê lo sự nghiệp mà quên đi sức khỏe. Tôi đã dịch cuốn sách sức khỏe thực dụng nhất trên toàn thế giới The Realage Makeover “Làm như vậy, ít nhất sống thêm 20 năm” để tặng bạn bè như một món quà cho cuộc sống.
- Tiền có ý nghĩa như thế nào với ông?
- Người biết kiếm tiền đã khó, sử dụng tiền đúng, ý nghĩa càng khó hơn. Càng kiếm được nhiều tiền thì xử lý tiền càng mệt. Độ khó càng ngày càng cao. Tạo hóa luôn luôn là một sự thách thức, càng lên dốc cao thì càng khó, phải tiến lên hoài
Cách sử dụng đồng tiền ý nghĩa nhất tùy theo mình, cách nào đều phải làm cho hữu dụng nhiều hơn, đẻ ra công ăn việc làm, của cải vật chất, làm mọi người hạnh phúc. Hiệu quả là tiền, là hạnh phúc. Kiếm tiền để làm gì? Trước nhất là cho bản thân mình, gia đình mình. Nếu bản thân không hạnh phúc làm sao lo cho người khác.