Chuyện kinh doanh của con trai ông chủ gốm sứ Minh Long
Lý Huy Sáng- con trai của ông chủ gốm sứ Minh Long, không có dáng của một người hùng biện. Cung cách từ tốn, giọng nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường, thận trọng nhưng không kém sắc sảo, tự tin.
Cái tự tin của một nhà quản trị học hành hẳn hoi không chỉ trên lý thuyết mà trải qua thực nghiệm mỗi ngày trong một thời gian đủ dài, trên dưới 10 năm. Dù chỉ mới bước vào ngưỡng tri thiên mệnh, nhưng anh luận giải về cuộc đời, về sự sống, về hạnh phúc và quản trị một cách tỉnh như không. Làm cho người thân của mình vui chút xíu thôi là đã đủ thấy an lòng. Cùng vợ hay bạn bè xem một bộ phim hay, nghe một bản nhạc dịu êm đã là hạnh phúc. Còn với việc kinh doanh của Minh Long, số 1 đang là câu chuyện, là mục tiêu đầy thách thức...
- Một số nhà báo nói rằng tiếp cận ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc - ba anh, còn dễ hơn gặp Lý Huy Sáng để hỏi một điều gì đó liên quan.. Vì sao có lời đồn thổi như vậy?
- Chị mở đầu câu chuyện với tôi bằng một câu hỏi hơi khó. Nhưng không sao, tôi vốn thẳng tính mà. Thật ra không phải tôi khó khăn gì khi tiếp xúc với các nhà báo cả. Báo chí Việt Nam và cả báo chí nước ngoài của Mỹ, Pháp, Đức, Nhật... đã viết rất nhiều, góp phần đưa thương hiệu và sản phẩm gốm sứ Minh Long đến tay người tiêu dùng khắp nơi trong nước và thế giới. Đối với chúng tôi, đó là giá trị tinh thần rất lớn.
Còn riêng tôi, sở dĩ có sự ái ngại vì các nhà báo chỉ dành và lặp đi lặp lại câu hỏi cũ, thậm chí không phải trường quan tâm của tôi. Bữa nay báo này hỏi: "Anh có bị áp lực gì về hình bóng quá lớn của cha anh?", ngày mai báo khác lại hỏi: "Anh có khó khăn gì trong việc chuẩn bị kế thừa vị trí của cha anh?", ... Thật là khó trả lời trung thực và trọn vẹn.
- Nhưng nếu nói về cha mẹ thì anh nghĩ thế nào?
Cha mẹ tôi đã thừa kế di sản nghề gốm sứ của dòng tộc và trong mấy mươi năm qua, Minh Long đã biến đất thành tinh hoa, rèn luyện một đội ngũ nghệ nhân đủ tinh xảo để làm nên những sản phẩm gốm sứ có thể xếp chung hàng với những tên tuổi lớn của các quốc gia có ngành gốm sứ bậc nhất thế giới. Tôi không chỉ tự hào mà luôn luôn biết ơn ba tôi vì ông đã vượt qua tất cả nghịch cảnh để đeo đuổi niềm đam mê gốm sứ.
Tranh: Hoàng Tường |
Một niềm đam mê nhiều khi là bất vụ lợi của cả đời ông. Tôi từng chứng kiến và chia sẻ với ba tôi trong những chuyến rong ruổi nhiều nước trên thế giới, tìm kiếm, học hỏi. Tình yêu đó của ba tôi được truyền cho anh em chúng tôi một cách đầy đủ. Chúng tôi nghĩ mình có trách nhiệm làm cho Minh Long vượt ra khỏi tầm vóc gia đình, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Đó cũng là mong mỏi, kỳ vọng của ba mẹ với anh em chúng tôi. Điều lớn lao đó hóa giải tất cả sự khác biệt trong phương thức quản trị giữa hai thế hệ cha - con.
- Anh nghĩ gì về Minh Long, biệt danh chủ lò gốm hay nhà sản xuất công nghiệp gốm sứ hàng đầu không chỉ của Việt Nam?
- Lịch sử hơn 40 năm của Minh Long cho thấy đây là một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, sản phẩm Minh Long đã có mặt ở một số quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, từ năm 1998 đến năm 2012, Minh Long luôn có mặt tại hội chợ triển lãm Frankfurt - Đức - một hội chợ triển lãm thương mại đầu tiên, quan trọng và lâu đời nhất thế giới. Những năm đầu tiên, Minh Long bị xếp hạng thấp nhất, sau đó, năm nào Minh Long cũng được lên hạng.
Năm 2011-2012, nhiều hãng gốm sứ nổi tiếng của Đức, Tây Ban Nha, Ý phải nhường ngôi vị được mời chọn trưng bày nơi tốt nhất cho Minh Long. Bình nghệ thuật vẽ tay độc bản, những bộ đồ ăn được thiết kế độc đáo, sang trọng, phù hợp với gu tiêu dùng phương Tây, và mới đây, bộ sưu tập búp bê Nhật Hoàng sẽ có mặt tại lễ hội búp bê lớn nhất xứ Phù Tang trong mùa hoa anh đào tuyệt đẹp năm nay. Rồi những chiếc bút máy nổi tiếng của Thụy Sĩ mang vỏ sứ trắng tuyệt đẹp của Minh Long sẽ xuất hiện trong thời gian không xa.
Cũng như vậy, Minh Long là công ty gốm sứ gia dụng và mỹ nghệ duy nhất của Việt Nam có mặt trong sự kiện Salon Deluxe vừa qua. Đẳng cấp thương hiệu và một nhà máy sản xuất tự động với công nghệ hiện đại nhất của Đức có công suất trên trăm ngàn sản phẩm ngày, thực sự Minh Long đã là nhà sản xuất công nghiệp.
- Với tư cách là doanh nghiệp lớn, doanh số hằng năm xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, Minh Long đang cần gì và đang thiếu những gì, thưa anh?
- Dù muốn hay không Minh Long buộc phải có tư duy quản trị hiện đại và những đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Lối làm việc của những người thợ gốm xưa, từng giọt mồ hôi lăn trên những bàn xoay thô sơ đã trở thành ký ức.
Hiện nay, công đoạn nào của nhà máy cũng có những con robot gắp từng sản phẩm nho nhỏ chuyển đến các băng chuyền. Kỹ thuật hiện đại ấy mình có thể mua được dễ dàng, nhưng để cho người nông dân - thợ gốm - những người mang tâm lý làm việc theo thói quen, thích sao làm vậy có một tác phong công nghiệp, làm việc trách nhiệm trong một dây chuyền khép kín, kỹ thuật cao là cực kỳ khó khăn.
Nhiều năm trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng tại công ty hay đến tận các trường đại học, tôi thực sự bi quan về những người trẻ hôm nay. Họ thực dụng, thiếu ý chí và không hề có ý thức kỷ luật. Công ty bỏ tiền đào tạo lại nghề cho họ một vài năm, đến dịp lễ tết, họ sẵn sàng nghỉ mà không cần biết đến công ty thiệt hại như thế nào. Kiểm soát chất lượng và chỉ tiêu nghiêm ngặt về năng suất vì thế thật là khó. Vấn đề này chắc không chỉ riêng công ty chúng tôi.
Sản phẩm giáo dục của chúng ta đạt chất lượng rất thấp, ý thức công dân kém đến lạ. Nghèo nhưng họ không sợ mất việc, càng không sợ tai tiếng. Những người có chút xíu năng lực thì sẵn sàng "nhảy việc" theo mức thu nhập ở các công ty thời thượng: điện tử, tin học, dịch vụ. Ngày nay lòng tự trọng và sự thủy chung của người lao động trong các doanh nghiệp đã trở thành của hiếm. Đấy, vấn đề con người thật là đau đầu...
- Thế anh đành bó tay hay kỳ vọng vào một giải pháp nào khác?
- Thông thường công ty đa quốc gia nào cũng luôn dành một ngân sách đủ cho đào tạo lại nhân viên và các cán bộ quản lý của công ty mình. Minh Long cũng làm vậy theo một bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong công ty. Mọi gắn bó dài lâu giữa công ty và người lao động được kết hợp chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ thông qua các điều khoản của hợp đồng. Mặt khác, tôi nghĩ trong vấn đề quản lý nhân sự, kinh nghiệm của các công ty Nhật Bản khá thích hợp với điều kiện Việt Nam.
Cách ứng xử tình nghĩa, xem những nhân viên như những người giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn, họ đã đồng hành cùng mình trên con đường làm nên sự nghiệp, có trước có sau, kính trên nhường dưới đã giúp chúng tôi giữ được phần lớn những người có tay nghề cao và một bộ phận quan trọng trong các cán bộ quản lý cấp trung là ít biến động.
Ba tôi là người có kinh nghiệm trong chuyện này. Trong công ty, chúng tôi thường truyền cho nhau tham vọng: Minh Long là công ty gốm sứ số 1 của Việt Nam; anh, bạn, tôi, là nhân viên số 1 của Minh Long. Con số 1 ấy thật sự là mục tiêu, là câu chuyện đầy thách thức.
- Sự dung hòa hai giải pháp lý tính và tình cảm trong quản lý nhân sự của anh nghe có vẻổn tạm thời, nhưng vẫn chưa thấy dấu ấn nào của một nhà quản trị hiện đại?
- Chuyển từ một công ty gia đình, quản trị theo lối thuận tiện sang quản trị hiện đại, khoa học, điều trước hết phải làm là xóa bỏ tư tưởng gia đình trị. Ngoài chuẩn hóa hệ thống, cần phải có bộ quy tắc ứng xử rõ ràng, minh bạch về quyền hạn, trách nhiệm trong công ty là điều mà Minh Long đang phấn đấu thực hiện. Mỗi người tùy vị trí của mình đều có thể làm chủ được công việc, hoàn thành nó với thời gian và chất lượng tốt nhất. Chế độ kiểm soát nội bộ được thiết lập một cách chặt chẽ thông qua công cụ kế hoạch và hệ thống công nghệ thông tin.
Là người mê công nghệ, sở trường này của tôi được phát huy tối đa. Chúng tôi điều hành thông qua mạng nội bộ và hệ thống phần mềm riêng có của chính mình. Máy móc không biết nói dối, các nhân viên vì thế không thể từ bỏ vị trí khi chưa hoàn thành nhiệm vụ và những người quản lý biết ngay chất lượng sản phẩm trên dây chuyền của mình đạt được như thế nào, năng suất có bảo đảm hay không. Những trục trặc được khắc phục tức thì. Nhờ vậy, chúng tôi ít khi bị khách hàng càm ràm về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.
- Anh có thể nói ngắn về phong cách lãnh đạo của mình?
- Cách của tôi là cùng tập thể nhân viên của mình trao đổi, nói ít, làm nhiều. Ra sức giúp nhân viên biết cách làm việc tập thể, đội, nhóm. Trí tuệ tập thể luôn được phát huy tối đa. Tôi luôn có mặt cùng với nhân viên của mình trong mọi trường hợp để họ hiểu rằng tôi là thành viên trong đội ngũ của họ và ngược lại.
Chân thành và luôn luôn lắng nghe tâm tư của họ, xem họ cần gì và chính sách của công ty cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp để họ có thể cùng mình làm việc dài lâu, đạt hiệu quả cao nhất.
- Mười năm tham gia điều hành một công ty có đến 2.600 lao động, có khi nào anh thất bại? Anh mong muốn ở họ điều gì nhất?
- Nhiều chứ. Trong thời kỳ đầu tôi cứ nghĩ đơn giản là phải thưởng phạt nghiêm minh.
Về sau tôi thấy đó không là giải pháp tối ưu để đạt được mục tiêu. Cái mà nhân viên cần chính là nhìn rõ được con đường thăng tiến của mình trong công ty. Tôi luôn mong muốn mình có một đội ngũ nhân viên có tinh thần tự nguyện, một đội ngũ những người cộng sự có tấm lòng bao dung. Chỉ có như vậy thì mới có sự phát triển bền vững.
- Nghe nói anh từng là học sinh chuyên toán - tin ở Trường Trịnh Hoài Đức, Bình Dương đồng thời mê mỹ thuật lại chuyển sang học và đi vào nghề kinh doanh? Anh dung hòa thế nào giữa con người lãng mạn và con người thực tế, luôn toan tính lỗ lời?
- Đúng, tôi là người mê công nghệ và say sưa với mỹ thuật. Máy tính có sức quyến rũ kỳ lạ và ánh sáng thì mê hoặc đến ám ảnh tôi. Tôi có thể ngồi trên máy với tỉ tỉ ứng dụng sáng tạo của nó mà không hề mệt mỏi. Toàn bộ phần mềm quản trị của Minh Long do chúng tôi viết ra và áp dụng. Nguồn đầu tư vào công nghệ thông tin của Minh Long không hề nhỏ, gần cả triệu USD. Các nhân viên ở những vị trí thích hợp đều được trang bị iPad để có thể liên lạc, báo cáo từ xa. Nhờ vậy mà hệ thống luôn chạy tốt, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của lãnh đạo công ty.
Cũng như khi tôi chơi máy ảnh cũng vậy, toàn bộ hình ảnh quảng cáo sản phẩm Minh Long đều do tôi đạo diễn, nhiều trường hợp là tôi tự chụp lấy. Một tấm ảnh đẹp mang thông điệp lớn hơn vạn lời nói. Tiện lợi và hiệu quả tức thì. Tiền tích lũy được tôi cũng tự sắm cho mình một bộ máy ảnh không dám nói là tốt nhất nhưng cũng không phải hạng xoàng.
Bây giờ tôi có quá ít thời gian để làm công việc mình yêu thích. Làng quê yên bình, cây cỏ, núi rừng, làm cho tâm hồn ta trở nên thanh thản hơn. Tôi nghĩ, sự biến hóa của các phép tính làm cho con số trở nên lãng mạn hơn. Ngô Bảo Châu, nhà toán học số một Việt Nam chẳng làm thơ, vẽ tranh, viết blog một cách hài hước là gì. Tôi muốn nói mọi thứ đều có thể dung hòa. Ông cha ta từng nói biết đủ là đủ mà. Biết dung hòa thì mọi việc đều có thể.
- Anh có thể nói gì về thần tượng quản trị của mình, anh học gì từ họ?
- Tôi yêu thích công nghệ và mỹ thuật. Tôi mê hình tượng trái táo bị cắn dở của Steve Jobs. Con người kiệt xuất ấy có một câu nổi tiếng: "Một người thợ mộc giỏi sẽ không dùng gỗ xấu làm lưng tủ, cho dù không ai nhìn thấy". Tôi coi đó là triết lý quản trị của mình. Chất lượng sản phẩm tốt nhất giúp doanh nghiệp trường tồn.
Thấm thía biết bao khi biết rằng chính ông, một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất nước Mỹ, ông đủ dũng cảm để nghĩ khác, đủ táo bạo để tin rằng có thể thay đổi thế giới và ông có năng lực làm điều đó. Con người đã mang tới niềm vui cho cả trẻ con lẫn người lớn, đã giám sát trực tiếp các sản phẩm mang hình trái táo bị cắn dở, tất nhiên, nó hoàn mỹ đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Dù coi Steve Jobs là huyền thoại, là thần tượng nhưng tôi không muốn áp dụng cung cách quản trị của ông. Đơn giản bởi Steve Jobs đã để lại sau lưng một khoảng trống, một công ty mà chỉ có ông mới tạo dựng được. Vắng ông, Apple khó khăn liền. Cuộc đời biết bao biến thiên mà mình không thể lường hết được. Tôi nghĩ bộ máy quản trị phải là một xã hội thu nhỏ, nó vận hành bình thường theo hệ thống dù có mình trực tiếp quan sát hay không.
Cùng với Steve Jobs, Bill Gates, Warren Buffet, Richard Branson theo tôi là bốn nhân vật quản trị làm thay đổi thế giới. Mỗi người một tính cách, nhưng họ là những con người cháy bỏng tinh thần doanh nhân.
- Tinh thần doanh nhân ấy có bị thui chột bởi một công ty mà toàn bộ ban giám đốc là người ruột thịt của mình?
- Lịch sử kinh doanh của Nhật Bản, Hàn Quốc từng có những công ty gia đình hùng mạnh, bền vững đó thôi. Dòng họ Matsushita từng làm nên thương hiệu điện tử lừng danh: National Panasonic, một biểu tượng chất lượng hiếm có. Từ thế kỷ trước, doanh số của công ty này lên đến 45 tỉ USD. Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc của công ty, chia sẻ, giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau vì sự bền vững của Minh Long. Tất nhiên, khi trở thành công ty đại chúng, chắc chắn chúng tôi sẽ thuê người điều hành phù hợp. Khi đó vai trò Hội đồng quản trị là định hướng chiến lược cho công ty.
- Còn với ba anh, một doanh nhân lớn của Việt Nam, anh học được những gì?
- Nghị lực phi thường và ý chí của ba tôi chẳng thua kém bất cứ tấm gương nào trong sách vở mà tôi được biết. Từ thuở nhỏ ông đã dạy anh em chúng tôi phải biết thương người và phải đứng thẳng, không được thấp hèn. Theo ông, chúng tôi học ở tất cả những nơi có thể.
Còn nhớ năm 1992, đời sống kinh tế khó khăn, du học là câu chuyện mơ ước xa vời, vậy mà ba mẹ tôi quyết định cho tôi đi Canada du học. Cậu bé 15 tuổi, một mình nơi xứ lạ, sự khác biệt về văn hóa, bè bạn, ngôn ngữ, tâm lý làm cho tôi cảm thấy bơ vơ. Nhưng môi trường giáo dục thân thiện, tự chủ đã giúp tôi vượt qua những trở ngại ban đầu, học hành đến nơi đến chốn.
Còn với tư cách một doanh nhân, ba tôi đã thiết lập cho chúng tôi một nền tảng kinh doanh khá vững chắc. Những lợi thế về quan hệ xã hội của ông giúp chúng tôi rất nhiều trong việc mở ra những kênh truyền thông cho thương hiệu và sản phẩm Minh Long. Tuy nhiên cũng cần kết hợp giữa kỹ năng thiên phú ấy với cung cách tiếp cận thị trường chuyên nghiệp. Thời đại mà quảng cáo đơn thuần nhường ngôi cho PR tinh tế là một thách thức với chúng tôi.
- Ba anh từng là bạn vong niên của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, thế anh có thích đọc sách dạy làm người của Nguyễn Hiến Lê, cuốn sách gối đầu giường của anh là gì?
- Có, tôi cũng từng đọc rất nhiều từ cuốn sách mà ba tôi yêu quý. Tôi thích về công nghệ, tốn tiền khá nhiều cho các tạp chí khoa học công nghệ tiên tiến nhất của thế giới. Tôi đọc hồi ký của Bill Gates, tôi thích con người có tấm lòng nhân hậu đó. Tôi thích và học hỏi rất nhiều từ vị thánh tài chính Warren Buffet.
Cuốn sách gối đầu giường của tôi là "Cái cười của thánh nhân". Bởi đó là cái cười của người thoát vòng tục lụy, tiếng cười vang của con người tự do giúp ta thanh thản với cuộc đời quá nhiều bất trắc hiện nay. Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã mượn chuyện ngàn xưa để cười chuyện ngày nay, nó giúp tôi rất nhiều trong việc bù đắp cái thiếu vắng quan trọng của cuộc sống. Nó giúp tôi biết cười mình để vượt lên phía trước, biết xót xa trước thân phận con người.
- Anh quan niệm như thế nào là thành đạt?
- Đó là một con người sống bình thường, có công việc phù hợp, hài lòng với cuộc sống của mình. Một người đạp xích lô, một người thợ máy... Ai cũng làm tốt nhất công việc mình đang làm, an bình trong tâm thế.
- Anh có bi quan với cuộc sống hiện tại? Anh đang lo lắng điều gì?
- (Im lặng một phút, đôi mắt Sáng hơi ửng đỏ) Thực tình trong đời sống riêng, chúng tôi đang gặp những khoảnh khắc đau lòng. Vợ tôi - một cô gái trẻ, đang phụ trách tài chính của công ty đã và đang nếm trải căn bệnh hiểm nghèo. Khó ai có thể chia sẻ với cô ấy nỗi đau đớn về thể chất và tinh thần. Nhiều lúc nghĩ duy nhất có tôi là chỗ dựa tinh thần, tình cảm của cô ấy, nhưng số phận thật khắc nghiệt. Nhiều lần nhìn cô ấy dũng cảm đối diện với bệnh tật mà cảm thấy nhói lòng. Con gái tôi còn quá nhỏ... Tôi hy vọng có một phép màu...
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần