Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định như vậy về cơ hội hồi sinh ngành công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Nam mà TPP sẽ mang lại, nếu Việt Nam có giải pháp tốt để tận dụng.
Lợi thế nhờ TPP
“Đây là cơ hội để các nhà sản xuất ôtô đầu tư phát triển, đặc biệt là phụ tùng linh phụ kiện”, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh Honda Việt Nam, nhận định như vậy trong trao đổi với Tuổi Trẻ khi có TPP.
Theo ông Tuấn, Việt Nam có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp phụ trợ, linh kiện ôtô từ các nước thành viên TPP, đặc biệt là Nhật Bản, để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% vào các quốc gia Mỹ, Canada và Mexico.
Tỉ lệ linh kiện nội địa hóa đạt 40% giá xe nhập khẩu từ các nước TPP sẽ buộc doanh nghiệp lắp ráp trong nước giảm giá bán xe. |
Một chuyên gia trong ngành ôtô cho rằng thời gian qua công nghiệp ôtô ở Việt Nam chưa thể phát triển vì nhiều lý do, một trong số đó là thị trường nội địa quá nhỏ, không đủ hấp dẫn để lôi kéo, thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam.
Trong tương lai, khi TPP được triển khai vào thực tế, các nhà đầu tư sản xuất linh phụ kiện ôtô, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật, có thể tổ chức sản xuất tại Việt Nam rồi đưa về công ty mẹ hoàn tất việc lắp ráp trước khi xuất khẩu sang các thị trường thành viên.
“Trong khi Thái Lan và Indonesia - hai quốc gia có thế mạnh về sản xuất linh phụ kiện cho ngành công nghiệp ôtô trong khu vực - không tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế nhất định trong lĩnh vực này so với các nước thành viên khác”, vị này nói.
Chẳng hạn, giá nhân công Việt Nam hiện chỉ bằng 1/5 giá nhân công tại Nhật Bản, hơn nữa hầu hết các thương hiệu ôtô Nhật đều đã đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam trong nhiều năm qua, mỗi thương hiệu đều có những đối tác sản xuất linh phụ kiện...
Các linh kiện phụ tùng sản xuất tại Việt Nam được lắp ráp vào các ôtô sản xuất tại Nhật Bản hay các quốc gia thành viên, nếu đạt tỉ lệ 45% sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% khi vào thị trường các nước thị trường nội khối TPP, đặc biệt là các thị trường lớn nhất thế giới về tiêu thụ ôtô như Bắc Mỹ và Mexico.
Đây sẽ là những yếu tố tiền đề để giúp gầy dựng lại một làn sóng đầu tư về công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam để hưởng lợi thế về thuế suất trong nội khối TPP.
Kỳ vọng từ thị trường nội địa
Trả lời Tuổi Trẻ về phản hồi của các đối tác chuyên sản xuất linh phụ kiện, phụ tùng ôtô sẽ hưởng lợi từ Hiệp định TPP mang lại, các nhà sản xuất ôtô thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, đều cho biết là “rất tốt”, “tích cực”.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên sản xuất linh phụ kiện đang tính toán đến các khả năng đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi thế khi tỉ lệ linh phụ kiện ôtô để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi chỉ còn 45%, thay vì 60% như trước đây.
Chẳng hạn, Honda Việt Nam hiện có 122 nhà cung cấp phụ tùng xe máy, trong đó có hơn 2/3 nhà sản xuất quốc tế cũng đồng thời là nhà sản xuất phụ tùng ôtô cho Honda tại Nhật Bản và các quốc gia khác.
Với khả năng mở ra của TPP, cộng thêm nhu cầu mở rộng tiêu thụ ôtô của thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư này hoàn toàn có thể mở rộng thêm đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam trong thời gian ngắn vì họ đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về đất đai, nhân công, nhà xưởng.
Bản thân các nhà đầu tư cũng đã có sẵn công nghệ nên chỉ cần thêm các thiết bị chuyên dụng, khuôn mẫu... là đã có thể sản xuất phụ tùng ôtô với chi phí rất thấp.
Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được ôtô, giá thành sản xuất phải thấp trong khi Việt Nam chỉ có lợi thế với chi phí nhân công rẻ, trong khi ngành công nghiệp ôtô có nhiều quy trình sản xuất chủ yếu là cơ khí máy móc, giá nhân công không phải là yếu tố quyết định nhiều.
Hơn nữa, với quy mô thị trường Việt Nam rất nhỏ (chỉ bằng 7-8% thị trường Nhật), chắc chắn linh phụ kiện sản xuất tại Việt Nam sẽ có giá thành cao hơn nên rất khó cạnh tranh.
Dù vậy, ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam và là chủ tịch VAMA - cho rằng nếu chọn những mẫu xe thích hợp, ngành ôtô Việt Nam vẫn có thể phát triển và cạnh tranh được.
Ông Hồ Mạnh Tuấn cũng có cùng quan điểm khi cho rằng Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh được nếu phát triển dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, có dung tích nhỏ (dưới 1.5L).
“Mỗi hãng sản xuất có một dòng xe riêng kích cầu, dần mở rộng dung lượng tiêu thụ ở thị trường nội địa, khả năng đầu tư sản xuất linh phụ kiện không chỉ riêng cho dòng xe nhỏ mà còn có cơ hội phát triển khả năng xuất khẩu linh phụ kiện cho các dòng xe khác để xuất khẩu cho các quốc gia TPP”, ông Tuấn nhận định.