Ngày 12/10, Trung Quốc, Ấn Độ cùng 14 đối tác đã nhóm họp tại Busan (Hàn Quốc) để tiếp tục đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Dư luận cho rằng, việc TPP đạt được thỏa thuận cách đây chưa lâu đang gây áp lực không nhỏ cho các nước tham gia đàm phán RCEP, khiến cho khả năng kết thúc đàm phán vào cuối năm nay như kế hoạch ban đầu là khó đạt được.
Từ sức ép lớn…
Sức ép về thời gian là rất lớn, do TPP đã hoàn tất đàm phán chỉ còn đợi Quốc hội các nước phê chuẩn, nhất là các nước đàm phán đã vượt qua những rào cản quan trọng khó khăn nhất trên các lĩnh vực: Sở hữu bản quyền sinh dược, tỷ lệ về % phụ tùng ô tô, và sản phẩm bơ, sữa. Các sản phẩm trên cũng liên quan đến các nước tham gia đàm phán RCEP, nhất là 7 nước tham gia cả hai Hiệp định.
Sức ép cạnh tranh xuất khẩu cũng không nhỏ, vì TPP khi có hiệu lực sẽ có sức hút rất lớn đối với dòng sản phẩm, dịch vụ trong khối, khiến nguồn lực bị phân lực tán, nhất 7/16 thành viên của RCEP, trong đó cả các nước lớn như: Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Singapore và Brunei.
Sức ép tiêu chuẩn cao có thể coi là lớn nhất, theo dự kiến ban đầu thì RCEP tiêu chuẩn không quá khắt khe như TPP, nhưng nay nếu không nâng cao tiêu chuẩn thì yếu tố cạnh tranh là khó đạt được. Theo một số chuyên gia thì một số nước có thể sẽ mất chỗ đứng trong cạnh tranh, nhất là ngành chế tạo sản phẩm công nghiệp.
Đến áp lực cạnh tranh…
Mặc dù có tới 16 nước đối tác tham gia, nhưng dư luận vẫn dành nhiều sự chú ý vào Trung Quốc với vai trò dẫn dắt của RCEP. Giới phân tích nhận định, đây không chỉ có đối trọng theo nghĩa cân bằng mà còn là cạnh tranh quyết liệt. Vì nhìn tổng thể, cả hai tổ chức thương mại khu vực TPP và RCEP đều có dấu ấn địa – chính trị của sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Theo giới quan sát, cách tiếp cận của hai Hiệp định có sự khác nhau, TPP theo mô hình ưu tiên chất lượng, tiêu chuẩn cao về luật lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ; còn RCEP theo mô hình: tiêu chuẩn phù hợp, hạn chế rào cản thương mại đối với từng quốc gia, nhất là các nước thành viên chậm và đang phát triển.
Nếu tham gia cả RCEP và TPP, các nước cần hóa giải nguy cơ triệt tiêu lẫn nhau và phân hóa nội bộ ASEAN. |
Nhìn chung, TPP và RCEP có những mục tiêu gần giống nhau là tự do hóa thương mại và hợp nhất kinh tế, tuy nhiên, tính cạnh tranh giữa hai cơ chế kinh tế với hai cường quốc Mỹ - Trung có thể gây hệ lụy cho ASEAN, các thành viên của khối này có thể bị phân hóa, khiến các bên đối thoại khu vực không thể không quan tâm, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN tham gia cả hai Hiệp định.
Trong thời gian vừa qua, Bắc Kinh đã có những nỗ lực chạy đua giành ảnh hưởng với Washington trong việc hình thành Ngân hàng phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Tuy nhiên, mới đây Trung Quốc lại bỏ ngỏ khả năng tham gia TPP.
Theo Tân Hoa xã, mặc dù hiện nay Trung Quốc chưa tham gia TPP, nhưng Trung Quốc có khả năng sẽ tìm cách tham gia “vào một thời điểm thích hợp” trong tương lai. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nước này đã mất cơ hội tăng GDP thêm 2,2% khi không tham gia Hiệp định này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng chồng chéo trong đàm phán giữa hai Hiệp định trong cùng một thời gian có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, do phải so sánh tiêu chí thỏa thuận đã ký trước đó với TPP.
Cũng theo giới quan sát, theo kinh nghiệm châu Âu trước đây cũng như TPP vừa qua, họ đã phải mất hàng chục năm để thảo luận thì thỏa thuận thương mại của họ mới đạt được sự thống nhất. Điều mà các nhà hoạch định chính sách các nước của ASEAN +6 không thể không quan tâm.
Và thời gian cán đích…
Về triển vọng kết thúc đàm phán, một số nguồn tin bên lề cuộc họp tại Busan cho biết, 16 nước đối tác của RCEP đang cố gắng hoàn tất quá trình đàm phán và cuối năm như kế hoạch đã xác định.
Tuy nhiên, do có áp lực về thời gian nên 16 nước phải có sự nỗ lực nếu càng chậm thì sự thua thiệt càng nhiều hơn. Hiệp định RCEP tuy đã xác định thời gian hoàn thành đàm phán vào cuối năm 2015, nhưng còn nhiều khó khăn trong đàm phán song phương nhất là các nước lớn trong khối như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Mặt khác, do đàm phán sau TPP nên RCEP sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Có thể nói, vì áp lực thời gian khiến các nước muốn đàm phán nhanh, nhưng vì áp lực tiêu chuẩn cao lại buộc các nước đàm phán phải cần thời gian dài hơn. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng RCEP khó có thể cán đích vào cuối năm nay.
Việt Nam là một trong 7 nước tham gia cả RCEP và TPP, đây là vấn đề kỹ thuật và nhạy cảm, cần tránh cả hai nguy cơ: Triệt tiêu lẫn nhau và phân hóa nội bộ ASEAN. Nhất là các thỏa thuận liên quan đến xuất xứ của các sản phẩm và chuỗi cung ứng phụ liệu, trong quan hệ thương mại và đầu tư đan xen trong các điều khoản thỏa thuận giữa hai Hiệp định.
Vì thế, Việt Nam cùng 6 nước khác tham gia 2 Hiệp định và các nước thành viên ASEAN cần phải cẩn trọng trong việc đàm phán để hóa giải cả hai nguy cơ, nhằm đi đến thỏa thuận cuối cùng có lợi nhất cho các bên đàm phán và cho cả khối.
Được biết, với kinh nghiệm đàm phán qua nhiều Hiệp định FTA khác nhau, các nhà hoạch định chính sách và đàm phán hội nhập kinh tế của Việt Nam đã được dự báo và trù liệu về vấn đề này. Dư luận đang kỳ vọng vào kết quả cuối cùng của RCEP mà Việt Nam là một thành viên.