Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TPP-11: Từ hiệp định suýt đổ bể đến người bảo vệ toàn cầu hóa

CPTPP (TPP-11), sau khi lỡ cơ hội trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất, vẫn chiếm đến 13,5% tổng GDP toàn cầu và là khu vực tự do thương mại lớn thứ 3 thế giới.

Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - TPP-11) vừa diễn ra tại Chile hôm 8/3. 1 năm và 29 ngày kể từ ngày Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, tức hiệp định ban đầu, 11 nước còn lại cuối cùng đã đặt bút ký vào thỏa thuận để đưa hiệp định này hồi sinh, bất chấp việc đóng góp của các nước trong TPP-11 cho GDP toàn cầu chỉ còn 13,5%, so với con số 38,2% thời còn Mỹ.

"CPTPP sẽ thiết lập một chuẩn mực mới cho các hiệp định hội nhập kinh tế khu vực khác, và cho cả các thỏa thuận trong tương lai của WTO hay APEC", Bộ Ngoại giao Chile tuyên bố.

"Chúng tôi rất tự hào được cho thế giới thấy thương mại tiến bộ chính là con đường đi tới trước", Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne nói trước các quan chức trong lễ ký kết.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang miêu tả việc ký kết là một "minh chứng bê tông" cho cam kết của các nước đối với mục tiêu chung là sự tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế khu vực.

ky ket CPTPP anh 1
Lễ ký kết CPTPP tại Chile. Ảnh: AFP.

CPTPP là gì?

CPTPP, thường được gọi là TPP-11, là hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước. 

Điều kiện để TPP ban đầu đi vào có hiệu lực là phải có ít nhất 6 nước với tổng GDP trên 85% GDP toàn khối hoàn tất quy trình thông qua hiệp định. Sau khi Mỹ, nước chiếm hơn 50% GDP toàn hiệp định, rút ra và điều kiện ban đầu không thể đạt được, các nước đã tiếp tục đàm phán và quyết định đổi tên hiệp định thành CPTPP vào tháng 11/2017.

11 nước đạt được thỏa thuận cuối cùng vào ngày 23/1 ở Nhật Bản, đúng một năm tròn kể từ ngày Mỹ rút và sau khi vượt qua một số phản đối vào phút chót từ phía Canada.

CPTPP sẽ giảm bớt các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế với 500 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu.

Con số này thật ra không bằng một nửa so với TPP thời còn Mỹ. Hiệp định ban đầu bao trùm một khu vực kinh tế có tổng GDP đến 28.000 tỷ USD, chiếm 40% giá trị GDP toàn cầu. Sau 6 năm đàm phán ròng rã, TPP đã được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và thiết lập một chuẩn mực mới cho thương mại toàn cầu.

CPTPP hiện tại sẽ trở thành khối thương mại tự do lớn thứ 3 thế giới, sau Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu.

Các điều khoản đã thay đổi như thế nào?

CPTPP đã tạm hoãn thực thi 20 điều khoản so với TPP dù phần văn bản gốc của TPP vẫn được kèm vào trong phụ lục của CPTPP.

11 trong số các điều khoản bị tạm ngưng liên quan đến sở hữu trí tuệ, vốn là các điều khoản Mỹ yêu cầu đưa vào. 9 điều khoản còn lại nằm ở các khu vực như đầu tư, dịch vụ tài chính, bản quyền, viễn thông và đấu thầu.

Các điều khoản này chỉ được kích hoạt lại về sau với sự đồng ý của 11 nước.

ky ket CPTPP anh 2

Tiến sĩ Deborah Elms, người sáng lập và là giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á, một viện nghiên cứu và xúc tiến thương mại tại Singapore, miêu tả việc tạm ngưng một số điều khoản là chỉ một vài "vặn xoắn nhỏ" mà ít người để ý, đặc biệt trong bối cảnh những điều khoản về sở hữu trí tuệ vốn là từ phía Mỹ, với nhiều điều khoản là "vấn đề nóng bỏng" của các nhà đàm phán Mỹ.

"Phần lớn các chương sẽ không thay đổi gì và một số thay đổi chỉ gồm 3 từ hoặc 1 câu", bà nói với Channel NewsAsia. "Đó thật sự là (những thay đổi) nhỏ".

Christopher Corr, một nhà tư vấn luật quốc tế tại hãng luật White & Case, nói rằng những điều khoản bị tạm ngưng khiến CPTPP trở thành "một hiệp định kém mạnh" so với TPP nhưng vẫn có "tác động lớn và tích cực đối với thương mại trong khu vực".

CPTPP vẫn bao gồm những "luật lệ quan trọng của thời đại mới", hỗ trợ thương mại điện tử, sự giao thương hàng hóa dịch vụ xuyên biên giới, đầu tư hay có luật lệ mới cho doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động...

"Hiệp định này trở thành một tiền đề tốt nhất có thể có để các hiệp định khác từ đó mà hình thành hoặc vượt qua", ông Corr nói thêm.

ky ket CPTPP anh 3
CPTPP đã suýt nữa không thông qua được vì Canada, khi nước này liên tục kiên quyết với các điều khoản về bảo hộ văn hóa. Ảnh: AFP.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

11 nước thành viên sẽ bắt đầu quy trình phê chuẩn CPTPP trong nước. Hiệp định sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 6 thành viên phê chuẩn xong.

Channel NewsAsia dẫn lời một số nhà quan sát nói rằng họ hy vọng quy trình này sẽ diễn ra nhanh chóng, dù Malaysia nói rằng họ sẽ không nằm trong số những nước đầu tiên phê chuẩn CPTPP trước đầu năm 2019.

"Việc phê chuẩn dựa trên tiền đề này trước năm 2019 có thể sẽ không gặp vấn đề gì", ông Corr nói.

"Một khi việc đó xảy đến, các công ty Malaysia và Singapore sẽ có lợi thế đáng kể trong các nền kinh tế của CPTPP so với các quốc gia ASEAN khác. Họ nên chuẩn bị cho việc đó từ bây giờ", ông nói.

ky ket CPTPP anh 4
Khác với TPP, CPTPP sẽ có hiệu lực khi quá nửa số nước thành viên thông qua trong nước. Các nhà quan sát dự đoán quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng và công ty của các nước thành viên nên chuẩn bị "đón đầu" hiệp định. Ảnh: AFP.

Một số quốc gia khác cũng đang xem xét việc gia nhập CPTPP. Yonhap cho biết Bộ Thương mại Hàn Quốc sẽ xem xét hiệu quả của hiệp định này lên nền kinh tế của họ trước khi quyết định trong năm nay có gia nhập hay không.

Trước đó, các nguồn tin cho biết Anh cũng có những cuộc thảo luận không chính thức về việc gia nhập CPTPP như một lối ra cho xuất khẩu của họ sau khi rời EU.

Tổng thống Trump cũng từng nói rằng ông bỏ ngỏ khả năng tái gia nhập TPP nếu nó trở thành "một thỏa thuận tốt hơn" cho Mỹ. Dù vậy, Mỹ sẽ cần sự đồng ý của tất cả các thành viên hiện tại cho việc tái gia nhập.

Thông cáo chung của bộ trưởng các nước CPTPP sau lễ ký kết nói rằng các thành viên "chào mừng sự quan tâm của nhiều nền kinh tế khác" đối với hiệp định.

"Sự quan tâm này củng cố mục tiêu chung của chúng tôi về việc tạo dựng một nền tảng để thúc đẩy sự hội nhập kinh tế sâu hơn và có chất lượng cao trong tương lai", tuyên bố cho biết.

Giữa nỗi lo chiến tranh thương mại

Các nhà quan sát nói rằng việc ký kết CPTPP trong tuần này là "tin tức tốt hiếm hoi" đứng tương phản với nỗi lo sợ đang lớn dần trong thời gian qua về một cuộc chiến tranh và trả đũa về thương mại.

Cùng thời gian các nước đặt bút ký CPTPP, Tổng thống Trump đã ký thông qua mức thuế mới áp đặt lên nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ. Chính sách này của ông vấp phải sự phản đối của các đảng viên Cộng hòa, nhiều nhà sản xuất trong nước, các đồng minh, đối tác nước ngoài và kéo theo nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại.

Tiến sĩ Elms nói rằng việc ký kết CPTPP, dù bị "lu mờ" bởi nhiều sự kiện khác, vẫn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về tự do thương mại. "Các sự kiện gần đây không nên phủ bóng lên tầm quan trọng của việc những phần khác của thế giới, đặc biệt là châu Á, đã làm đối với việc mở cửa thị trường và tiếp tục thúc đẩy các chính sách thương mại tốt đẹp hơn".

Đối với ông Corr, CPTPP sẽ là "sự tương phản rõ rệt với những hành động bảo hộ gây rắc rối" và một khi hiệp định này có hiệu lực, Mỹ sẽ không chỉ thấy được lợi ích của việc gia nhập mà còn "nếm trải" được cái giá của việc rút khỏi.

ky ket CPTPP anh 5
Cùng ngày CPTPP được ký kết, Tổng thống Trump cũng đặt bút ký thông qua mức thuế mới dành cho nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, làm dấy thêm nỗi lo về sự bảo hộ và nguy cơ chiến tranh thương mại. Ảnh: AFP.

CPTPP còn được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao trùm một khu vực 3,5 tỷ người và 1/3 kinh tế thế giới. RCEP được khởi xướng từ năm 2012 và các bên đàm phán bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Trong số này có 7 thành viên CPTPP là Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, New Zealand và Việt Nam.

Theo tiến sĩ Elms, các nước không phải thành viên CPTPP có thể sẽ bị áp lực phải sớm hoàn thành hiệp định này. Kèm với đó là nỗi bất an trước tương lai của tự do thương mại, việc không thể tin tưởng ở Mỹ hay châu Âu hay Trung Quốc, những thị trường quan trọng bậc nhất.

"Ít nhất thì bạn có thể chuẩn bị cho những thị trường trong khu vực, đó sẽ là một kế hoạch dự phòng nên có", bà nói.

TPP-11: Hiệp định lịch sử thay đổi diện mạo thương mại toàn cầu

Hiệp định TPP-11 vừa được ký kết được đánh giá là dấu mốc lịch sử, cho thấy sự trỗi dậy của các nền kinh tế châu Á và đánh dấu sự dịch chuyển của trật tự thương mại toàn cầu.

Ký kết TPP-11: Khi châu Á thành ngọn cờ đầu của tự do thương mại

Việc các nước ký thỏa thuận TPP-11 (CPTPP) hôm nay ở Chile là dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, trở thành người lãnh đạo của thương mại tự do toàn cầu.

Phương Thảo

Theo Channel NewsAsia

Bạn có thể quan tâm