Trong thương mại, không ai được tất cả mọi thứ. Điều này đúng với cả lễ ký kết của hiệp định TPP-11 trưa 8/3 ở Chile (sáng sớm nay theo giờ VN).
Nhật là nước chủ chốt trong việc lèo lái quá trình đàm phán sửa đổi để kết thúc TPP-11 lần này. Tokyo đã tổ chức 4 trong 5 cuộc đàm phán cấp vụ và được mong chờ sẽ tổ chức buổi lễ ký kết, tuy nhiên Nhật đã nhường vinh dự này cho Chile.
Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz (bên trái) bắt tay với người đồng cập của Nhật là ông Taro Kono, phía sau là Tổng thống Chile Michelle Bachelet và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Theo tờ Nikkei, đây là động thái trả ơn của Nhật Bản đối với Chile vì nước này đã hậu thuẫn Tokyo trong việc thuyết phục một Canada "lưỡng lự" cùng kết thúc đàm phán để có thể xong sớm được thỏa thuận.
Thời gian ngắn, đẩy nhanh 'đổi chác'
Tokyo không có nhiều thời gian vì chính phủ Abe muốn sớm đệ trình TPP lên Quốc hội lần này để có thể thông qua - động thái họ hy vọng sẽ đẩy các nước khác sớm phê chuẩn hiệp định mới. Các bước như vậy có thể giúp TPP-11 đi vào hiệu lực trong năm 2019.
Bối cảnh vậy nhưng Canada thì chần chừ và liên tục kêu gọi các nước không vội vàng. Một lý do cho việc chần chừ trên là do Thủ tướng Canada Justin Trudeau không muốn người tiền nhiệm của mình là ông Stephen Harper nhận hết công trạng.
Nên Nhật đã phải nhờ cậy Chile với hy vọng "chấm dứt tranh cãi để trì hoãn" từ phía Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng. Tại đây ông đã "gây sốc" nhiều quốc gia thành viên TPP-11 khi không tham dự một vài cuộc họp quan trọng. Ảnh: Reuters. |
Chile thì rất hào hứng với việc tổ chức lễ ký kết để đem lại thắng lợi cho chính phủ của Tổng thống Michelle Bachelet, người sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối tuần này. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi hôm 23/2, Ngoại trưởng Heraldo Munoz đã bày tỏ sự biết ơn vì được tổ chức và việc Chile sẽ nhận được sự chú ý của thế giới. Ông Motegi trong khi đó thì cám ơn Chile về những cam kết của mình.
Nhật Bản nhận ra Chile "có khả năng" thuyết phục Canada. Ngoại trưởng Heraldo Munoz là nhà ngoại giao kỳ cựu và từng là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông được tôn trọng bởi các nước châu Mỹ, đồng thời rất thấu hiểu người đồng cấp tại Canada là bà Chrystia Freeland. Khi ông Motegi đề xuất với Ngoại trưởng Munoz trong cuộc điện đàm đầu tháng, ngoại trưởng Chile hào hứng với đề xuất và đã gọi điện với một loạt quan chức Canada.
Nhật cũng từng cầu viện sự giúp đỡ của Mexico trong việc thuyết phục Canada. Trong một cuộc họp với Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi đã "nhờ" Mexico ủng hộ Tokyo trong bối cảnh Canada liên tục cản trở quá trình đàm phán.
Trong khi các nước khác đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán, Canada vẫn chần chừ trong việc ký kết TPP-11 với lý do yêu cầu các nước thảo luận kỹ hơn các điều khoản về ngoại lệ văn hóa và sản xuất ôtô.
11 nước tham gia CPTPP, không có Mỹ. |
Trật tự kinh tế mới
Dù Mexico sát cánh với Canada trong việc đối đầu với Mỹ trong đàm phán NAFTA, Mexico đã đồng ý hợp tác với Tokyo để gây sức ép với Ottawa.
Khi Canada vẫn còn "chần chừ" trong cuộc đàm phán cấp trưởng đoàn ở Tokyo hôm 22/1, Nhật Bản đã gây sức ép bằng việc đề xuất ký thống nhất trong ngày hôm sau mà không cần lấy ý kiến của Canada. Mexico giữ lời hứa gây sức ép và đứng về phía Tokyo, để ngỏ khả năng tiến hành TPP mà không có Canada. Buộc phải đưa ra quyết định, Ottawa cuối cùng đã nhượng bộ.
Một năm sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP, 11 thành viên còn lại đã thành công trong việc hoàn tất quá trình tái đàm phán để ký kết thỏa thuận mới vào sáng nay. Đóng góp trong đó có công lèo lái rất lớn từ Nhật Bản.
Trong khi chủ nghĩa bảo hộ đang lây lan, như tuyên bố về tăng thuế thép - nhôm của TT Trump gần đây, việc ký kết TPP-11 được nhìn nhận như biểu tượng cho tương lai của các hiệp định thương mại tự do.
Nhìn về phía trước, cả 11 nước đang có chiến lược rõ ràng về việc mở rộng. Cả Nhật và nhiều nước đang đề xuất mời Hàn Quốc và Đài Loan cùng tham gia để thiết lập trật tự kinh tế mới ở châu Á.