Dự kiến ngày 8/3 giờ Chile (rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Việt Nam), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức được ký kết. Hiệp định này thường được biết đến với cái tên TPP-11, xây dựng trên nền tảng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không có Mỹ.
Nhân sự kiện được cho là lịch sử trong quan hệ thương mại của Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những chia sẻ với báo chí.
CPTPP giúp Việt Nam hoàn thiện cải cách thể chế
Theo tư lệnh ngành công thương, hiệp định CPTPP mang lại những tác động tích cực và toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và ngược lại.
Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững, những nhân tố có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng.
Các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm... sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.
Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Ngoài một số lĩnh vực truyền thống như sở hữu trí tuệ, mua sắm công, Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ những lĩnh vực phi truyền thống.
Đó là điều kiện lao động, môi trường của người lao động, công đoàn… “Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa”, ông nói.
CPTPP cũng giúp Việt Nam hoàn thiện cải cách thể chế, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh.
Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…
"Không chủ động thực thi cam kết, Việt Nam sẽ phải trả giá'
Bên cạnh cơ hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh những khó khăn thách thức khi Việt Nam tham gia TPTPP. Ông nhấn mạnh nếu Việt Nam không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.
“Ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… đã có tăng trưởng đột biến nhưng ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, nên ngành mía đường đạt hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp nếu so với các quốc gia khác”, ông nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những tác động nhiều chiều bao gồm cả tiêu cực, có nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế, đến lợi ích của nông dân, người tiêu dùng và bộ phận dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội.
11 nước tham gia CPTPP, không có Mỹ. |
Với CPTPP, người đứng đầu ngành công thương khẳng định phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của đất nước, của nền kinh tế để chuẩn bị cho việc thực thi cam kết hội nhập.
“Sắp tới chúng tôi sẽ trình kế hoạch hành động này lên Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chương trình hành động tổng thể và toàn diện này có sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân”, ông nói.
Bộ trưởng cũng nói đến việc rà soát khung khổ pháp lý, “nội luật hóa” cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định.
Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin đến nhiều bộ phận trong xã hội. Yếu tố tham gia mang tính chủ động là then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế khi hội nhập.