Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trường hợp nhà dân nằm trong hành lang an toàn thoát nước nhưng tính pháp lý không rõ ràng.
Nhiều trường hợp có trước năm 1975
Đường Trần Bình Trọng (quận 10) có hàng chục căn nhà mặt tiền nằm trên cống thoát nước. Tuyến cống này được xây dựng từ thời Pháp, còn nhà dân nằm trên cống được xác định có trước 1975.
Mãi đến năm 2015, khi tuyến cống thoát nước đường Trần Bình Trọng xuống cấp, cần phải xây mới, hàng chục căn nhà trên cống buộc phải di dời. Tuy nhiên, do xác định hiện trạng đã tồn tại từ trước 1975 nên những hộ dân có nhà nằm trên cống ở đường Trần Bình Trọng vẫn được bồi thường như các dự án khác.
Một cán bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết ngoài những trường hợp nhà dân nằm trên hành lang thoát nước có “lịch sử” tương đối rõ ràng như ở đường Trần Bình Trọng thì còn rất nhiều trường hợp phát sinh sau 1975 nhưng không xác định được tính pháp lý rõ ràng, rất khó xử lý.
“Có những trường hợp cống thoát nước có trước 1975, sau này mới phát sinh nhà nằm trên cống. Cũng có những trường hợp khi xây dựng cống thoát nước, cơ quan quản lý nhà nước “xin” cho cống “đi nhờ” trong vườn nhà dân... Vì thế những trường hợp này cần phải được xác minh rõ ràng để có hướng giải quyết thỏa đáng” - vị này nói.
Trước thực trạng trên, ngày 16/8, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu: UBND quận, huyện phải có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá lại hiện trạng để có hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Những trường hợp nhà nằm trên hành lang an toàn thoát nước nhưng người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp sẽ được xem xét cấp phép cho xây mới. |
Có thể được xây mới
Cạnh đó, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo với những trường hợp người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp, có hai hướng giải quyết. Cụ thể, với những khu vực được xác định cống thoát nước không còn chức năng tiêu thoát nước thì bít hủy cống để giải quyết cấp phép xây dựng bình thường.
Đối với những khu vực cống vẫn còn chức năng tiêu thoát nước thì UBND quận, huyện phối hợp với Trung tâm chống ngập, Sở GTVT TP di dời các tuyến cống, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.
Trong thời gian chờ di dời cống thoát nước, trường hợp trên được giải quyết theo nhiều hướng. Đối với những khu vực nhà dân ảnh hưởng đến chức năng tiêu thoát nước, UBND quận, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tìm cách giải quyết cho từng trường hợp.
Những trường hợp không ảnh hưởng đến chức năng tiêu thoát nước sẽ được phép tồn tại theo hiện trạng. Khi người dân có nhu cầu xây dựng mới, UBND quận, huyện sẽ kết hợp với Trung tâm chống ngập giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm chống ngập, cho biết hiện đơn vị này chưa nhận được số liệu từ các quận, huyện nên chưa thể trả lời cụ thể.
“UBND TP mới có văn bản yêu cầu xử lý như đã nói ở trên nên hiện phải đợi các quận, huyện rà soát, tổng hợp số liệu, đề xuất lên rồi chúng tôi mới phối hợp kiểm tra, giải quyết” - ông Long nói thêm.
Nhà dân lấn chiếm buộc phải di dời
Đại diện phòng Quản lý cấp thoát nước, Sở GTVT TP.HCM cho biết văn bản của UBND TP áp dụng cho những trường hợp nhà nằm trong hành lang an toàn thoát nước nhưng người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp, chứ không áp dụng cho những trường hợp người dân xây dựng lấn chiếm lên công trình thoát nước.
“Theo thống kê của Trung tâm chống ngập, hiện nay vẫn còn hàng trăm trường hợp nhà dân xây dựng lấn chiếm cửa xả thoát nước và hệ thống cống thoát nước. Đối với những trường hợp này, UBND TP đã chỉ đạo phải di dời, tháo dỡ công trình lấn chiếm để bảo vệ hệ thống thoát nước” - đại diện phòng Quản lý cấp thoát nước nhấn mạnh.