Hơn 21h ngày 16/7, bà Lê Thị Hồng cùng cháu ngoại Gia Hân (3 tuổi) đứng bên lề đường Lý Thường Kiệt (đối diện bệnh viện Hùng Vương, quận 5, TP.HCM) để nhận những suất quà từ thiện. “Mẹ bé và chồng đã ly dị từ nhiều năm. Trước kia, tôi phụ bán bún riêu để nuôi hai cháu, một đứa 3 tuổi, đứa còn lại mới 4 tháng do mẹ nó bỏ lại. Nhưng mấy tháng nay chịu cảnh thất nghiệp, nên 2 bà cháu phải ra đây xin quà hàng đêm”, bà Hồng ngậm ngùi. |
Cũng trong cảnh ngộ bị mất việc do quán cơm đóng cửa, chị Nguyễn Thị Út (40 tuổi, Tiền Giang) không có tiền đóng trọ nên chủ nhà đuổi, phải ra lề đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM) xin những suất quà từ thiện sống qua ngày. |
Ông Hải (64 tuổi) hành nghề đạp xích lô chở hàng thuê tại khu vực chợ Kim Biên (phường 13, quận 5) đã bị chủ trọ đuổi ra khỏi nhà 2 tuần. "Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến nhiều chợ tại đây đóng cửa hàng loạt, không còn ai thuê tôi chở hàng, đành phải chịu cảnh màn trời chiếu đất", ông Hải chia sẻ. |
"Ngủ không quen con à, vào góc tối ngủ thì muỗi nó cắn, ra ngoài ngủ thì lạnh, mặc áo mưa ngủ mà đêm vẫn lạnh lắm. Chú còn sức khỏe và có thể lao động, chú không cần tiền, chỉ mong có chỗ nào cho chú lao động để đổi giấc ngủ yên và cái bụng no qua ngày được rồi”, người bạn cùng cảnh ngộ với ông Hải nói. |
Chứng kiến hoàn cảnh của những người khó khăn, anh Trần Công Bình (Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu kêu gọi quyên góp, thành lập nhóm "Bánh mì 0 đồng". Hàng đêm, anh cùng bạn chạy xe khắp thành phố phát bánh mì, sữa tươi và khẩu trang cho những người khó khăn ngoài đường. |
"Mỗi đêm sẽ có khoảng 1.000 suất quà được nhóm chúng tôi phát cho người nghèo và người vô gia cư khắp thành phố. Nhóm xuất phát từ 19h30 và kết thúc khi phát xong các phần quà”, anh Bình cho biết. |
"Tôi làm nghề thu mua ve chai và là lao động chính trong gia đình có 5 miệng ăn. Những ngày dịch, nhiều cửa hàng đóng cửa, nên mỗi ngày đi hơn 12 giờ mà thu nhập vẫn bằng 1/3 so với trước kia. Tôi thường xuyên nhận được quà từ những nhóm thiện nguyện, những phần quà này cũng đỡ gánh nặng cho gia đình tôi phần nào”, bà Nguyễn Thị Nga (54 tuổi, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nói. |
Trong đợt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lần này, người lao động tự do là nhóm được ưu tiên hỗ trợ trước nhất với khoảng 230.000 người. Theo thông tin từ chính quyền, tới ngày 15/7, hầu hết quận, huyện và TP Thủ Đức đã hoàn tất chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng đến tay mỗi người lao động tự do theo gói hỗ trợ 887 tỷ đồng của TP.HCM. |
Theo ghi nhận của Zing, sau gần 10 ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhiều tuyến đường tại trung tâm thành phố vắng vẻ, ít người đi lại hơn hẳn so với thời gian trước. Một số trạm chờ xe buýt trở thành nơi ngả lưng của những người vô gia cư. |
Địa điểm vui chơi quen thuộc của người dân như Nhà thờ Đức Bà, hồ Con Rùa, Bưu điện không còn người lui tới, so với những ngày trước đó. |
Chỉ thị 16 yêu cầu người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác. |
Phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) chỉ có vài người qua lại. Các quán bar, nhà hàng từng rất nhộn nhịp ở đây đã đóng cửa từ cuối tháng 4. Dịch vụ bán đồ ăn mang đi được ở phố Tây cũng đã tạm ngừng từ ngày 9/7. |
Hầu hết hàng quán trên tuyến đường ẩm thực Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) đều đóng cửa im lìm theo quy định không kinh doanh mặt hàng không thiết yếu. |
Các tòa nhà văn phòng xung quanh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ tắt đèn từ sớm. Hơn 21h ngày 16/7, các con đường xung quanh khu vực này chỉ lác đác vài chiếc xe lưu thông. |
Bình luận