Trái ngược với thời tiết nắng nhẹ sáng 27/9, từ 12h30, TP.HCM xuất hiện mây âm u và có mưa nhỏ vài nơi.
Ảnh mây vệ tinh và radar thời tiết lúc 12h cho thấy mây đối lưu đang phát triển ở khu vực phía bắc và phía nam TP.HCM, cụ thể tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ. Ngoài ra, trên khu vực Vũng Tàu - Đồng Nai, mây dông cũng đang phát triển và có xu hướng di chuyển theo hướng tây, về phía TP.HCM.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong khoảng 3 giờ tới, các khối mây đối lưu tiếp tục phát triển mạnh gây mưa rào và dông cho các khu vực kể trên. Sau đó, mây có xu hướng mở rộng ra toàn TP.HCM, có nơi mưa vừa, mưa to.
Tương tự, thời tiết tại các tỉnh thành Nam Bộ cũng duy trì trạng thái nhiều mây, mưa dông diện rộng. Lượng mưa phổ biến từ 25-100 mm. Riêng tại Cà Mau, lượng mưa dự báo trên 100 mm.
Trong cơn dông, người dân cần đề phòng gió giật mạnh và lốc, sét, mưa lớn gây ngập một số khu vực trũng thấp.
Đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, thường xuyên ngập sâu do mưa lớn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về thời tiết ngoài khơi Nam Bộ, trên vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TP.HCM) và từ Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm Phú Quốc), mây đối lưu đang phát triển, gây mưa rào và dông mạnh cho khu vực này.
Dự báo trong ngày và đêm 27/9, vùng biển Nam Bộ chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 8-11 độ vĩ Bắc, kết hợp với đới gió Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh.
Do đó, các vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TP.HCM), từ Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm Phú Quốc) và vịnh Thái Lan, tiếp tục có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6. Sóng biển cao từ 1,5-2,5 m, biển động.