Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM và miền Tây có nguy cơ ngập do triều cường vài ngày tới

Triều cường có thể dâng ở vùng hạ lưu các sông Nam Bộ vài ngày tới. Cơ quan khí tượng cảnh báo đây là đợt triều cao, người dân cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp, ven biển.

Người dân di chuyển trong đợt triều cường cuối tháng 10 ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM). Ảnh: Văn Minh.

Ngày 4/12, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ phát cảnh báo về tình trạng triều cường dâng vùng hạ lưu các sông Nam Bộ.

Đến sáng 4/12, mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ đạt 1,56 m (dưới báo động 1), tại trạm Mỹ Thuận là 1,58 m (xấp xỉ báo động 1). Hôm qua, mực nước tại các trạm chỉ ở mức thấp.

Dự báo mực nước triều cao nhất trong đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 9-10/12. Tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), triều cường có thể lên 1,72-1,77 m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 khoảng 0,07 m). Tại trạm Cần Thơ (sông Hậu), triều cường dự báo 1,80-1,85 m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 1 khoảng 0,05 m).

Các trạm vùng ven biển ghi nhận mức triều cao từ báo động 1 đến báo động 2, riêng trạm Gành Hào ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 khoảng 0,05 m.

Tương tự, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có thể đạt mức cao vài ngày tới. Đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 8-10/12, lúc 4-6h và 17-19h.

Dự báo trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có mức triều cao 1,60-1,65 m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 khoảng 0,05 m).

Cơ quan khí tượng cảnh báo đây là đợt triều cao trong năm, người dân cần để phòng ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven biển.

Dự báo từ nay đến cuối năm, vùng ven biển Nam Bộ xuất hiện thêm 2 đợt triều cường mới. Trong đó, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức trên 4 m trong đợt triều cường cuối tháng 12.

Đầu tháng 10, đợt triều cường xuất hiện tại Nam Bộ kéo dài hơn một tuần và ghi nhận mức triều cao kỷ lục.

Tại Cần Thơ, đỉnh triều được ghi nhận cao 2,27 m - đạt mức kỷ lục. Trạm Mỹ Thuận (Vĩnh Long) cũng xác lập kỷ lục mới về triều cường khi đỉnh triều đạt 2,17 m - cao hơn 5 cm so với năm 2017.

Triều cường đã gây ngập úng sâu ở khắp vùng trũng thấp ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ.

Sách hay về môi trường

How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến ​​thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.

We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.

How to Avoid a Climate Disaster - Bill Gates. Tỷ phú công nghệ đưa ra góc nhìn của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cả hướng đi rõ ràng, thiết thực để giải quyết chúng trong tương lai.

Nam Bộ đối mặt nhiều dạng thời tiết nguy hiểm từ nay đến Tết

Hứng một cơn bão đổ bộ, đón thêm những đợt mưa trái mùa và triều cường gây ngập úng là những thời tiết nguy hiểm dự báo xảy ra ở Nam Bộ từ nay đến Tết Quý Mão 2023.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm