Đại diện Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao trao đổi quy chế phối hợp. Ảnh: Trần Hoàng. |
Phát biểu tại buổi ký kết giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố là một đầu mối giao lưu quốc tế của cả nước, với các hoạt động đối ngoại dày đặc về tần suất và đa dạng về phương thức.
Ông Mãi thông tin TP.HCM đã thiết lập quan hệ hợp tác với 54 địa phương quốc tế trên khắp 5 châu lục thông qua ký 66 văn bản hợp tác, hàng năm đón tiếp khoảng 140 đoàn vào, chủ trì tổ chức hơn 40 sự kiện đối ngoại.
Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh công tác đối ngoại có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. "Không có hợp tác quốc tế, khoảng 60% dự án tại TP.HCM không thể hoạt động được", ông nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Trần Hoàng. |
Trên cơ sở đó, TP.HCM đặt mục tiêu trong thời gian tới, xác định ngoại giao kinh tế là trọng tâm; nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế theo hướng tăng tính chủ động và hiệu quả trong hợp tác; mở rộng hợp tác trên cơ sở có chọn lọc, xác định rõ trọng tâm để đem lại kết quả thiết thực, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu phát triển hoạt động ngoại giao, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất TP.HCM cùng Bộ Ngoại giao tiếp tục xây dựng chiến lược đối ngoại, trong đó xác định rõ trọng tâm, lĩnh vực phối hợp.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề xuất TP.HCM đẩy mạnh việc kết nối và huy động nguồn lực từ kiều bào như kiều hối, nhân lực. Ông Sơn nhấn mạnh Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.HCM để phát triển và xây dựng thành phố.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Trần Hoàng. |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao việc ký kết 7 quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao.
Ông Nên nói việc ký kết quy chế phối hợp còn thể hiện sự quan tâm, phối hợp của Bộ Ngoại giao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP.HCM, cho thấy ý thức trách nhiệm của Bộ Ngoại giao đối với sự phát triển của thành phố và tăng trách nhiệm hơn giữa hai bên.
Đại diện Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao trao đổi quy chế phối hợp. Ảnh: Trần Hoàng. |
Trước đó, chiều ngày 25/4, đoàn công tác của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với Sở Ngoại vụ TP.HCM.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể Sở Ngoại vụ TP.HCM trong thời gian qua. Bộ trưởng chỉ đạo Sở Ngoại vụ tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đối ngoại của bộ và TP.HCM, trong đó đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và đoàn thăm và làm việc tại Sở Ngoại vụ TP.HCM ngày 25/4. Ảnh: Sở Ngoại vụ TP.HCM. |
7 nội dung của bản Quy chế phối hợp
1. Phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan trong quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
2. Phối hợp nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đối ngoại.
3. Thường xuyên trao đổi thông tin tổng hợp, báo cáo tình hình khu vực và thế giới, tình hình chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP.HCM, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật nhằm quản lý hoạt động đối ngoại tại thành phố.
4. Phối hợp chỉ đạo triển khai đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại TP.HCM. Tăng cường trao đổi thông tin để tổ chức tốt, hiệu quả các đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm, làm việc hoặc tham dự các hoạt động ở nước ngoài.
5. Phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả đối với công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại..., tham vấn, trao đổi thông tin huy động nguồn lực quốc tế và chỉ đạo Sở Ngoại vụ tham mưu, điều phối hiệu quả quan hệ kinh tế song phương và đa phương, công tác hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác quốc tế cấp địa phương của thành phố.
6. Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi lãnh đạo của hai bên nghiên cứu, tham mưu các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất…
7. Phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ trên tinh thần chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm, tăng cường bảo vệ cán bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Ngoại vụ và cán bộ của sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao, của Thành ủy và UBND TP.HCM; đồng thời xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh.