Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM triển khai thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn cụ thể về cách ly F0, F1 tại nhà. Thành phố sẽ thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.

Ngày 13/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gửi đến các địa phương, cơ sở y tế. Theo đó, TP.HCM chính thức triển khai cách ly tại nhà với trường hợp F0, F1.

Được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.

Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1

TP.HCM triển khai cách ly tại nhà với trường hợp F0, F1. Ảnh minh họa: Zing News.

Với khu vực nguy cơ rất cao (nơi phong tỏa), thành phố áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà có cách ly F1 phải treo biển báo bên ngoài, lập hàng rào mềm ngăn cách. Toàn bộ thành viên trong nhà không được ra ngoài.

F1 hạn chế tiếp xúc, phải được bố trí khu vực riêng/phòng riêng nếu có thể. F1 phải sử dụng đồ dùng riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng; khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần F1 sử dụng.

Việc quản lý, giám sát F1 cách ly tại nhà phải thực hiện nghiêm trong và sau thời gian cách ly; chất thải y tế lây nhiễm phải được tổ chức thu gom, vận chuyển để xử lý theo quy định.

Trường hợp F1 tại khu tập thể, chung cư có F0 tại nhà thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Với trường hợp nhiều F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư… cần áp dụng cách ly y tế tập trung khu vực này.

Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt bằng cách đưa ra khu cách ly tập trung. Thành phố bố trí, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu trực tiếp cho F1 và theo dõi, giám sát hàng ngày.

Trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao nhưng không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư, ký túc xá…), ngành y tế sẽ chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm PCR ngày thứ 7 thay vì ngày 14 như trước đây. Trường hợp âm tính thì xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Y tế địa phương được giao theo dõi những trường hợp này.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ngành y tế địa phương tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày với F0, F1 được cách ly tại nhà. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.

Với khu vực nguy cơ cao, F1 được áp dụng cách ly tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn 5152 của Bộ Y tế.

Riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe; có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.

Tuy nhiên, nếu có F0 tại nhà thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định là F1, có thể xem xét cách ly tất cả thành viên tại nhà, không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

Các khu vực khác (nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định là F1, có thể xem xét cách ly tất cả thành viên tại nhà, không yêu cầu có phòng cách ly riêng.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ngành y tế địa phương tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày với F0 cách ly tại nhà; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị. Với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà, ngành y tế yêu cầu xét nghiệm PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.

Chỉ thị 16 áp dụng trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.

TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.

Từ 6h đến 18h ngày 13/7, Bộ Y tế công bố TP.HCM ghi nhận thêm 1.797 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 tại thành phố lên trên 16.000.

Đường sá TP.HCM thông thoáng khi tạm dừng hàng loạt chốt chặn Sáng 13/7, TP.HCM tạm dừng hơn 300 chốt chặn kiểm soát dịch Covid-19. Tại Gò Vấp, đường sá thông thoáng, không còn cảnh ùn ứ, kẹt xe như các ngày trước đó.

Phó bí thư TP.HCM Phan Văn Mãi: Lúc này, chống dịch được đặt lên số 1

Phó bí thư TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, TP.HCM duy trì mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Nhưng lúc này, chống dịch được đặt lên số 1.

TP.HCM thừa nhận tình trạng chậm chuyển F0 đi điều trị

"Có thời điểm mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm cho việc chuyển bệnh nhân chậm", Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận.

Biệt đội bà bầu nấu cơm tặng shipper giữa dịch Covid-19 ở TP.HCM

"Bầu bì và rất ngại dịch bệnh, nhưng chúng tôi vẫn muốn làm gì đó giúp những người khó khăn hơn, đặc biệt là các anh, chị shipper vì hàng quán đã đóng cửa", chị Minh Lệ nói.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm