Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký văn bản quyết định Sở Y tế TP.HCM là cơ quan thường trực, tổ chức triển khai thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố.
Sở Giáo dục TP và UBND các quận, huyện phối hợp triển khai Đề án.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm ký Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách.
Theo đó, đối tượng thụ hưởng là trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các trường công lập, ngoài công lập; trẻ em học lớp mẫu giáo độc lập tư thục; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường học tham gia Đề án.
Trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sẽ được thí điểm chương trình sữa học đường tại TP.HCM. Ảnh: C.T. |
Trong thời gian thực hiện Đề án, mỗi trẻ được uống 1 hộp sữa dung tích 180ml/ lần/ ngày, 5 lần/ tuần trong 9 tháng, trừ 3 tháng hè. Kinh phí thực hiện sẽ lấy từ ngân sách thành phố, doanh nghiệp cung cấp sữa, phụ huynh học sinh và đóng góp của xã hội.
Cụ thể, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Đối với trẻ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trẻ đang sống tại cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập ngân sách thành phố hỗ trợ 50%, phần còn lại do doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ.
Đề án sẽ triển khai ngay trong học kỳ 2 năm học 2018 - 2019 (tức là đầu tháng 1/2019) với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 trên địa bàn quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.
UBND TP.HCM sẽ sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án, báo cáo trong kỳ họp thường lệ giữa năm 2019 cho HĐND TP.HCM, và có đề xuất điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.
Trước đó, trong kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường), UBND TP.HCM đề xuất triển khai chương trình Sữa học đường ngay trong năm học 2018-2019 đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Tới năm học 2019-2020 sẽ thực hiện đại trà đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 trên toàn địa bàn.
Theo tính toán, tổng kinh phí cho chương trình này là gần 1.135 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ học sinh đóng gần 548 tỷ đồng.