Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM sẽ chi 1.135 tỷ cho chương trình sữa học đường?

UBND TP.HCM đề xuất chi 1.135 tỷ cho chương trình sữa học đường trong giai đoạn 2018-2020.

Sáng 8/10, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường) diễn ra tại Hội trường Thành ủy (quận 3, TP.HCM), xem xét một số tờ trình liên quan đến việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Một trong những nội dung được đưa ra thảo luận là cơ chế hỗ trợ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, UBND TP đề xuất triển khai chương trình ngay trong năm học 2018-2019 đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh.

Tới năm học 2019-2020 sẽ thực hiện đại trà đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 trên toàn địa bàn.

Sua hoc duong anh 1
Trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sẽ được thí điểm chương trình sữa học đường tại TP.HCM. Ảnh: C.T.

Cụ thể, trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học trong các trường công lập, ngoài công lập và trẻ em tại lớp mẫu giáo tư thục sẽ được uống sữa 9 tháng/năm học (trừ 3 tháng nghỉ hè). Mỗi học sinh uống 1 hộp/ngày, 5 lần uống/tuần.

Theo tính toán, tổng kinh phí là gần 1.135 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ học sinh đóng gần 548 tỷ đồng.

Đối với trẻ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập học tại các trường thực hiện đề án, TP hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Mục tiêu của chương trình là 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học các trường tham gia đề án được uống sữa theo chương trình sữa học đường. 100% cha mẹ học sinh, người chăm sóc có con em tham gia đề án được truyền thông, tư vấn về chương trình sữa học đường.

Với những trẻ tham gia đề án, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và học sinh chỉ còn dưới 4,4%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học chỉ còn dưới 6,8%.

UBND TP cho hay Sở GD&ĐT TP đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh. Trong số hơn 260.000 phiếu phát ra, nhận được về 84,4% đồng thuận.

"Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên đây mới là đề án, nên đối tượng thụ hưởng có hạn. Cần có thêm thời gian và sự tham gia của TP, các tổ chức, cha mẹ học sinh", đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nói.

Góp ý cho đề án, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng cần minh bạch đấu thầu nguồn cung cấp sữa, đảm bảo sữa sạch, chất lượng, giúp cha mẹ các em tin tưởng vào đề án và nguồn thực phẩm con em mình được sử dụng tại trường.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết TP.HCM ngoài các trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi, còn có những trẻ béo phì, thừa cân, hoặc không dung nạp lactose trong sữa. Đại biểu đề xuất UBND TP, Sở Y Tế, Ủy ban dinh dưỡng nên có nguồn sữa đa dạng, phù hợp cho những trẻ có thể trạng khác nhau.

Tạm dừng đề án sữa học đường sau vụ học sinh có biểu hiện ngộ độc

Sau khi uống sữa tươi, 73 học sinh mầm non và tiểu học ở Đồng Nai có biểu hiện đau bụng, nôn ói, phải nhập viện cấp cứu.

Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm