"Năm tháng sẽ đi qua, những cam go, khốc liệt do đại dịch cũng sẽ dịu dần nhưng hình ảnh cao đẹp của chiến sĩ tuyến đầu, nhất là lực lượng chi viện, trong khó khăn, khốc liệt sẽ còn mãi trong lòng người dân", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại Lễ tuyên dương Đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra sáng 6/10.
Đầu buổi lễ, các đại biểu đã dành phút tưởng niệm cho những nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ và nạn nhân đã mất vì dịch Covid-19.
Bộ Chính trị yêu cầu khắc phục tình trạng lao động về quê
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết trong buổi bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (ngày 7/10), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương biểu dương, đánh giá cao và chân thành cảm ơn đóng góp to lớn, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, chiến sĩ trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Tổng bí thư cũng chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân phải gánh chịu...
Ông Nên cho biết nội dung thảo luận về phòng, chống dịch Covid-19 được đại biểu dự Hội nghị Trung ương 4 đặc biệt quan tâm xuyên suốt. Trước mắt, Bộ Chính trị chỉ đạo Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp, khắc phục sớm tình trạng hàng chục nghìn dân lao động từ TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh về quê. Bên cạnh đó là việc tổ chức chu đáo, đón người lao động ở địa phương về nơi sản xuất, các doanh nghiệp đang chờ đợi.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gửi lời tri ân lực lượng chi viện. Ảnh: Chí Hùng. |
Bí thư TP.HCM bày tỏ sự tri ân với các lực lượng chi viện trên cả nước đã cùng thành phố ứng phó với đại dịch Covid-19 trong hơn 100 ngày lịch sử. Họ chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để kịp thời chia lửa cùng đồng đội đang oằn mình chống dịch.
Sau 4 tháng ròng rã "không thể nói hết bằng lời", sát cánh bên nhau, kiên gan chiến đấu, các lực lượng đã từng bước giúp TP.HCM kiểm soát được dịch để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.
Bí thư TP.HCM cho biết đến nay, giới khoa học trên thế giới chưa đoán định được sự nguy hiểm của biến chủng Delta cũng như những biến chủng mới đang xuất hiện ở một số nơi. Tuy nhiên, mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo dịch vẫn chưa kết thúc.
Vì vậy, ông lưu ý trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được chủ quan, thay đổi cách sống phù hợp với tình hình mới, sống trong môi trường có dịch.
"Chúng ta đã có bài học xương máu trong quá trình chống dịch vừa qua. Trung ương bàn rất sâu, đánh giá rất sâu, nguyên nhân, hạn chế, yếu kém, cần phải khắc phục", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Nhìn lại 4 tháng chống dịch
Báo cáo về kết quả chống dịch của ngành y tế thời gian qua, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhìn lại đầu tháng 5/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng trên toàn thành phố cho thấy tất cả đều ở cấp độ 1 (dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần).
Tuy nhiên, chỉ sau 4 tuần, chỉ số này đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần), ca tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần.
Đến ngày 7/7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150/100.000). Đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca/ngày.
Ngày 16/7, tình trạng dịch tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (hơn 150/100.000), số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày.
"Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị đều bị quá tải, dù thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi", ông Bỉnh nói.
Tính đến 17/8 thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến với tổng quy mô lên 39.398 giường và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường). Nhưng tình hình tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, lên đến 2.105 ca/tuần (18-24/8).
Một tháng sau đó, thành phố tiếp tục lập thêm bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp nguồn oxy (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường). Tổng cộng, thành phố đã lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).
"Có thể nói, suốt gần 2 tháng từ 15/7 đến 15/9, cả thành phố đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh", Giám đốc Sở Y tế đánh giá.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng gửi lời cảm ơn trân trọng tới lực lượng chi viện. Ảnh: Chí Hùng. |
Từ giữa tháng 9, ngành y tế TP.HCM nhận được sự hỗ trợ từ 132 đơn vị của bộ, ngành, Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tính đến 30/9, lực lượng tham gia phòng, chống dịch của TP.HCM là 187.275 người. Trong đó, lực lượng chi viện là 28.989 người (8.900 nhân viên y tế; 16.637 chiến sĩ, quân y).
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, ngành y tế TP.HCM đã triển khai hiệu quả đồng thời "2 mũi giáp công". Thứ nhất là mô hình điều trị 3 tầng với hệ thống bệnh viện "chị em" - liên tục chuyển bệnh 2 chiều giữa các tầng điều trị. Thứ hai là tập trung cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.
Nói về kế hoạch thời gian tới, ông Tăng Chí Thượng cho biết sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho vaccine, kiến nghị Bộ Y tế thí điểm tiêm cho trẻ em khi có vaccine phù hợp; thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm; phát huy hiệu quả 3 tầng điều trị và chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM đã trao tặng bằng khen cho 55 tập thể cùng 20 triệu đồng tiền thưởng cho mỗi tập thể; 119 cá nhân nhận huy hiệu của TP.HCM.