Chiều 17/10, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế-xã hội TP.HCM, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thông tin về tình trạng "chăn dắt" trẻ em, người già ăn xin tại Thành phố.
Theo ông Trần Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, từ khi thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban Nhân dân Thành phố về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác, tình trạng trên đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, trả lời báo chí chiều 17/10. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn nên có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng người lang thang, xin ăn. “Các đối tượng thường tập trung ở khu vực gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng, dầu, chợ truyền thống, các giao lộ ngã tư… Nhiều đối tượng có hành vi đối phó với lực lượng chức năng như giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong công tác xử lý", ông Trần Quốc Dũng chia sẻ.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, 9 tháng năm 2024, các đơn vị trực thuộc Sở đã tiếp nhận hơn 1.300 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác. Trong đó, có 83 trẻ em, 190 người cao tuổi, 884 người khuyết tật hoặc người trong độ tuổi lao động; có 157 người Campuchia (trong đó có 91 trẻ em)...
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Giao thông vận tải lập kênh tổng đài 1022 để kịp thời tiếp nhận phản ánh của người dân để xử lý người lang thang, xin ăn; đồng thời, tăng cường tuyên truyền qua các áp phích, pano, trên các phương tiện truyền thông để người dân cùng đồng thuận với công tác tập trung người lang thang, xin ăn.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân TP.HCM ban hành kế hoạch thực kiểm tra sáu địa phương gồm Quận 6, 7, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và thành phố Thủ Đức về thực hiện Quyết định số 812.
Liên quan đến vấn đề này, Công an TP.HCM cho biết đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, xác minh xử lý đối với các trường hợp nghi vấn hoạt động “chăn dắt”; lập danh sách quản lý đối với các trường hợp thuộc diện nghi vấn “chăn dắt” và hiện đang tiếp tục tổ chức xác minh, làm rõ để xử lý theo đúng quy định.
Trong quá trình xử lý đối tượng "chăn dắt" người ăn xin, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn do những đối tượng này là người thân, thậm chí là cha, mẹ ruột của trẻ.
Các đối tượng "chăn dắt" hướng dẫn về nội dung, cách thức cho trẻ, người ăn xin để đối phó khi lực lượng chức năng phát hiện, dẫn đến khó khăn cho công tác củng cố hồ sơ, chứng cứ.
Hiện, các cơ quan chức năng Thành phố phối hợp rà soát các địa bàn có đông người Campuchia sinh sống như: Khu cư xá đường sắt (Phường 1, Quận 3); khu nhà trọ ở đường Nguyễn Văn Luông (Phường 10, Quận 6), khu nhà trọ ở Quốc lộ 1A (phường Tân Tạo, quận Tân Bình)...; phát hiện số người Campuchia sống lang thang, ăn xin và đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội để quản lý trong thời gian bàn giao cho Cơ quan ngoại giao Campuchia đưa về nước hoặc thi hành quyết định xử phạt trục xuất.