Ngày 31/3, Sở Tài chính TP.HCM công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý mão 2023 trên địa bàn áp dụng từ ngày 2/4.
Theo cơ quan này, sự điều chỉnh trên dựa vào kiến nghị của doanh nghiệp, biến động giá đầu vào và tiêu chí chương trình. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm đảm bảo phải thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5-10% và tùy từng thời điểm có thể xem xét điều chỉnh giá bán phù hợp.
Cụ thể, giá bán thịt gia cầm được điều chỉnh tăng 7-14% so với năm 2021. Cụ thể, sau khi tăng, thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà thả vườn 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg. Trứng gia cầm tăng 6-7% với trứng gà lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng); trứng vịt 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng).
Mặt hàng thịt heo vẫn giữ giá bán lẻ như năm 2021 với thịt đùi 104.000 đồng/kg, thịt vai 130.000 đồng/kg, thịt cốt lết 125.000 đồng/kg, nạc vai 155.000 đồng/kg...
Đối với rau củ quả và thủy hải sản, giá bán tùy vào thời điểm nhưng đảm bảo phải thấp hơn ít nhất 5-10% so với giá bán thị trường.
Trong khi đó, nhóm hàng gạo giữ nguyên giá bán so với mức bình ổn năm 2021 với gạo trắng thường 5% tấm là 14.500 đồng/kg (không bao bì) và 15.500 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5 kg), gạo Jasmine 15.500 đồng/kg (không bao bì) và 17.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5 kg).
Nhóm hàng gạo giữ nguyên giá bán so với mức bình ổn năm 2021. Ảnh: Phương Lâm. |
Nhóm đường ăn, muối ăn giữ nguyên giá bán so với mức giá bình ổn năm 2021 với đường RE là 24.500 đồng/kg, đường tinh luyện An Khê là 25.000 đồng/kg và muối ăn tinh chế là 4.300 đồng/túi.
Mặt hàng dầu ăn cũng giữ giá như trước đó với dầu ăn thực vật Nakydaco là 40.500 đồng/lít, 81.000 đồng/bình 2 lít và 202.500 đồng/can 5 lít, dầu ăn Cooking là 40.300 đồng/lít.
Ngoài ra, giá bán hầu hết mặt hàng thiết yếu khác như sữa, đồ khô, văn phòng phẩm... vẫn giữ nguyên như năm 2021.
Theo Sở Tài chính, trong năm 2022, có nhiều yếu tố đầu vào tác động đến giá hàng hóa trên thị trường. Do đó, một số mặt hàng tham gia chương trình đủ điều kiện chỉnh giá; tuy nhiên để ủng hộ thành phố, đa số doanh nghiệp cố gắng giữ giá.
Riêng mặt hàng trứng gia cầm và thịt gia cầm bị ảnh hưởng nhiều bởi giá thức ăn chăn nuôi và các yếu tố đầu vào tăng cao liên tục đã ảnh hưởng đến tình hình doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khi tham gia chương trình bình ổn giá năm 2022, các doanh nghiệp sẽ được hưởng 5 quyền lợi cơ bản như: Được sử dụng logo của chương trình để khai thác trong sản xuất, kinh doanh; được tạo mọi điều kiện thuận lợi tham gia các chương trình hỗ trợ chính thức của TP; được ưu tiên kết nối, đưa hàng hóa đến các hệ thống phân phối với mức chiết khấu tốt…
Ông cho biết sau khi Sở Tài chính chính thức công bố giá hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp tham gia trên địa bàn thành phố.