Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về

TP.HCM tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày từ 0h 9/7. 

Ngày 8/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0h ngày 9/7.

Tăng cường xử phạt những trường hợp ra khỏi nhà khi không có lý do chính đáng

UBND TP.HCM nhấn mạnh nguyên tắc là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức.

Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ); Làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao... Trường hợp ra khỏi nhà phải đảm bảo nguyên tắc 5K.

UBND phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra tập trung đông người, xử lý nghiêm người vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.

TP.HCM cũng tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày từ 0h 9/7.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1

Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm nCoV trong đêm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Các lĩnh vực được tiếp tục hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu...); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chức, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Người đứng đầu các cơ sở này chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện an toàn biện pháp phòng, chống dịch. Trường hợp không bảo đảm phải dừng hoạt động. Các cơ quan, đơn vị Nhà nước được yêu cầu làm việc tại nhà, trừ trường hợp thật sự cần thiết như: Chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu. Toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan, công sở được yêu cầu dừng toàn bộ, ngoại trừ họp chống dịch hoặc để xử lý vấn đề cấp bách. Khi tổ chức phải đảm bảo không tập trung quá 10 người.

Số người làm việc tại công sở không quá 1/3 tổng số lao động; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế đảm bảo 100% quân số, các đơn vị đặc thù phải có văn bản gửi Sở Nội vụ trình UBND TP quyết định.

Xe dùng phần mềm ứng dụng công nghệ phải tạm dừng

Về hoạt động vận tải, TP.HCM dừng vận tải hành khách công cộng bằng ôtô (trừ trường hợp vì lý do công vụ, đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, hàng hóa...). Hoạt động vận tải bằng xe môtô gồm xe dùng phần mềm ứng dụng công nghệ và xe ôm cũng phải tạm dừng. Các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng) cũng được yêu cầu tạm dừng.

Với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển TP.HCM, tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ.

Đối với các phương tiện thủy nội địa, khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng, thuyền viên hạn chế lên bờ (chỉ cử một người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo quy định). Sở GTVT chủ động kiến nghị Bộ GTVT xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đến, đi từ TP.HCM.

Đối với Sở Y tế, ngoài các biện pháp đã triển khai, TP.HCM yêu cầu mở rộng các khu cách ly tập trung đạt công suất 50.000 giường và đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly, kiểm soát không để lây nhiễm ra cộng đồng. Ngành y tế tiếp tục triển khai kế hoạch 20.000 giường điều trị, khẩn trương mua sắm thiết bị y tế, ưu tiên nguồn lực cho điều trị bệnh nhân nguy kịch với 1.000 giường hồi sức.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu công an thành phố tái tổ chức 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM yêu cầu tiến hành vừa chống dịch, vừa sản xuất; triển khai test nhanh Covid-19 cho công nhân một lần/tuần. Công văn của thành phố cho biết hiện nay, số ca nhiễm tăng nhanh nhưng nguồn lực phòng chống dịch của thành phố vẫn đảm bảo. Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn duy trì hàng hóa phong phú, dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống.

"Thành phố đề nghị người dân không mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và thành phố", TP.HCM kêu gọi.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2

TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về từ 0h ngày 9/7. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều tối 7/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã công bố áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.

Đây là lần thứ 4 TP.HCM thay đổi, kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Thành phố đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 31/5 đến hết 18/6; từ 19/6 đến nay, thành phố áp dụng Chỉ thị 10.

Từ ngày 27/4 đến sáng 8/7, TP.HCM ghi nhận 8.385 ca mắc mới, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.


Người TP.HCM: Thà đau một lần rồi thôi, dây dưa đến bao giờ hết dịch

“Thà đau một lần rồi thôi, nếu không quyết liệt đến bao giờ mới hết dịch”, người dân bày tỏ sự ủng hộ trước quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của TP.HCM.

'Chỉ thị 16 không là thuốc tiên, cần người TP.HCM đồng lòng ngăn dịch'

"Chỉ thị 16 không phải liều thuốc tiên để đẩy lùi ngay Covid-19 mà chính sự hiểu đúng, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả", Phó bí thư Phan Văn Mãi nói.

Bệnh viện F0 đầu tiên tại TP Thủ Đức

Hơn 200 bệnh nhân Covid-19 đã được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 3 vào tối 7/7. Tòa chung cư bỏ trống này dự kiến đón 3.000 F0 không triệu chứng trong những ngày tới.

Phân biệt Chỉ thị 16 và Chỉ thị 10 áp dụng ở TP.HCM

Chỉ thị 16 đặt ra mức độ giãn cách mạnh hơn với phạm vi phong tỏa toàn thành phố, khác với Chỉ thị 10 chỉ cách ly khu vực theo mức độ nguy cơ lây nhiễm.

Năng lực xét nghiệm của TP.HCM hiện ra sao?

Nhờ được chi viện, hỗ trợ, TP.HCM nâng công suất xét nghiệm lên 450.000 mẫu gộp PCR/ngày trong 2-3 ngày tới. 1,6 triệu test nhanh cũng sẵn sàng.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm