Công khai để người dân có nhu cầu đăng ký
Chiều 8/1, thông tin với PV Tiền Phong, ông Dương Thanh Bình- Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 (TP.HCM) cho biết, việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè không phải hoạt động cho thuê vì đây không phải là hoạt động kinh tế. “Đây là hoạt động quản lý nhà nước, việc sử dụng vỉa hè là sử dụng tài sản công và phải trả phí. Nhà nước thu phí và nộp vào ngân sách. Cho nên người dân, hộ kinh doanh có nhu cầu kinh doanh ở phần vỉa hè trước nhà của mình thì họ sẽ đăng ký sử dụng và sẽ trả phí”- ông Bình lý giải.
Cũng theo ông Bình, trường hợp chủ của căn nhà không kinh doanh thì phần vỉa hè trước nhà sẽ để trống hoặc phục vụ hạ tầng kỹ thuật. Không ai khác được quyền sử dụng phần vỉa hè đó để kinh doanh.
“Cần tránh hiểu nhầm đây là hoạt động cho thuê, tránh trường hợp một số người liên hệ một loạt căn nhà phố liền kề bỏ tiền ra thuê làm một dãy để kinh doanh, buôn bán hay làm bãi giữ xe, như thế là không đúng”- ông Bình nói.
Về tình hình chuẩn bị thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận 1, ông Bình cho biết, quận sẽ quản lý vỉa hè, còn Sở GTVT sẽ quản lý phần lòng đường. Theo Quyết định số 32 của UBND TP, phải có danh mục các vỉa hè đủ điều kiện. Quận 1 đã gửi văn bản danh mục các vỉa hè cho Sở GTVT TP để thống nhất, đang chờ sở cho ý kiến.
“Sau khi thống nhất, quận sẽ ban hành các danh mục. Căn cứ các danh mục, quận sẽ giao UBND các phường làm việc với các hộ dân trên các tuyến đường có đăng ký kinh doanh, xem họ có nhu cầu đăng ký kinh doanh ở phần vỉa hè phía trước mặt bằng của mình hay không? Nếu có sẽ tổng hợp, rà soát cho đồng bộ. Phòng Quản lý Đô thị quận sẽ tham mưu UBND quận dự trù diện tích có thể thu phí được. Từ đó, đưa ra phương án thu chi phù hợp theo quy định để đảm bảo làm sao thu đúng, thu đủ, không để thất thoát ngân sách”- ông Bình thông tin.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cũng cho biết, sau khi xây dựng được phương án thu chi, có danh mục cụ thể thì quận sẽ công bố rộng rãi trên địa bàn các phường để người dân nắm bắt thông tin. Sau khi công bố, nếu người dân có nhu cầu sử dụng phần vỉa hè trước nhà thì họ sẽ phải đăng ký ở quận.
“Các nội dung trên đang được quận hoàn thiện trong thời gian sớm nhất, để khi công bố danh mục các phương thức kinh doanh, mức giá thì sẽ công bố để người dân có nhu cầu đăng ký”- Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 thông tin.
Bảo đảm vỉa hè rộng tối thiểu 1,5m cho người đi bộ
Trong văn bản hướng dẫn về việc thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố, Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường trên các tuyến đường do sở quản lý. UBND cấp quận, huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do địa phương quản lý.
Mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng, tùy vào từng khu vực và vị trí các tuyến đường. Cụ thể, TP.HCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Trong đó, khu vực 1 (gồm địa bàn quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có mức thu phí cao nhất; trong khi khu vực 5 là huyện Cần Giờ có mức thu thấp nhất.
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn phải đảm bảo đồng bộ trên từng đoạn, tuyến đường, khu vực và phải được UBND cấp quận, huyện thông qua, thu phí theo quy định. UBND cấp quận, huyện căn cứ hiện trạng sử dụng, đặc thù, tính chất của từng tuyến đường, đoạn đường của khu vực để xây dựng giải pháp tổ chức thực hiện, thời gian hoạt động (theo giờ) cho phù hợp.
Phạm vi hè phố để tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa phải được giới hạn (bằng gạch màu hoặc vạch sơn phản quang màu vàng, hàng rào) để phân định với các hoạt động khác và được bố trí xen giữa bồn cây xanh, mảng xanh hiện hữu trên hè phố.
Về điều kiện sử dụng, hè phố phải có bề rộng từ 3m trở lên. Tổ chức, cá nhân sử dụng hè phố có trách nhiệm thực hiện theo đúng giải pháp tổ chức thực hiện tại vị trí thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành. “Khi tổ chức hoạt động này, hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5m (không tính đến phạm vi bồn cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở cho từng đoạn, tuyến”- Sở GTVT lưu ý.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đề nghị địa phương khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ. Đồng thời, các địa phương cần tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình. Từ đó, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
Đảm bảo đúng diện tích và mỹ quan
Theo ông Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1, đơn đăng ký sử dụng tạm thời phần vỉa hè trước nhà của các hộ kinh doanh sẽ phải kèm theo hình ảnh diện tích phía trước nhà của họ. “Nguyên tắc là kinh doanh phần mở rộng ra trên diện tích mà họ đã kinh doanh trong nhà, nay họ mở rộng ra kinh doanh thêm bên ngoài. Cho nên phải phù hợp với việc kinh doanh, đồng thời phải đảm bảo mỹ quan”- ông Bình nhấn mạnh.
TP.HCM thu phí vỉa hè, người dân vẫn phải đi bộ dưới lòng đường
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã hoàn tất việc kẻ vạch, chuẩn bị cho việc thu phí lòng đường, vỉa hè từ đầu năm 2024.
Kế hoạch cho thuê vỉa hè của Hà Nội
Dự kiến UBND TP Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024. 10 tuyến phố với 36 vị trí được UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm cho thuê khai thác hè phố.
Gần 900 tuyến đường ở TP.HCM được kẻ vạch, cho thuê vỉa hè
Qua rà soát, Sở GTVT TP.HCM công bố danh sách gần 900 tuyến đường phù hợp kẻ vạch để sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh.