“Chúng tôi đã hoàn thiện phương án đầu tư mở rộng các quốc lộ (QL) 1A, 22, 13, 50. Sắp tới sẽ trình UBND TP.HCM để Ủy ban xem xét, quyết định”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết như trên.
Quốc lộ nào cũng tắc
Chiều 13/9, phóng viên đã ghi nhận tại hai tuyến có lượng xe qua lại đông đúc là QL13 và QL22.
Tại QL13, vào các giờ cao điểm, những điểm kẹt xe kinh hoàng là ngã tư Bình Triệu, giao lộ QL13 - Lê Bình, ngã tư Kinh Đô… Nhiều ôtô luồn lách vào đường dành cho xe hai bánh, còn người đi xe máy thì lao ngược chiều khiến tình trạng giao thông thêm hỗn loạn. Lực lượng CSGT luôn đóng chốt tại hai địa điểm ngã tư Bình Triệu và giao lộ QL13 - Lê Bình để điều phối giao thông.
Lượng xe chủ yếu lưu thông từ khu vực trung tâm TP như quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận 3… về quận 12, Đồng Nai, Bình Dương. QL13 vốn kẹt xe liên miên vì đây là tuyến huyết mạch đi từ trung tâm TP về Bình Dương để đi các tỉnh Tây Nguyên (Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk).
Chị Trương Thị Anh, một tiểu thương bán hàng ở QL13, cho biết việc kẹt xe ở đây diễn ra hàng ngày, cao điểm là khoảng 7h sáng và chiều tối.
Kẹt xe vào giờ cao điểm ở quốc lộ 13. |
“Mỗi lần kẹt xe là mệt lắm! Tiếng động cơ rền vang, khói xe nồng nặc, gây khó thở và cay mắt. Kẹt xe thường xuyên nên chẳng buôn bán được gì” - chị Anh than thở.
Riêng giao lộ QL13 - đường số 4, lượng xe đông đột biến vào lúc học sinh Trường THCS Hiệp Bình tan trường. Phụ huynh ra vào đón con, công nhân, nhân viên từ hướng Bình Triệu đổ xuống gây xung đột giữa hai hướng xe, thậm chí xảy ra nhiều va chạm nhẹ.
Anh Phạm Văn Thương, người dân sinh sống gần ngã tư Kinh Đô, bày tỏ: “Tôi mong chính quyền các cấp quan tâm hơn đến việc này. Bởi kẹt xe triền miên như thế này sẽ gây lãng phí, tốn kém và rất dễ gây tai nạn giao thông. Vì khi ách tắc xảy ra sẽ dẫn đến chuyện mạnh ai nấy chạy, công nhân sợ trễ giờ làm, học sinh thì sợ trễ học”.
Tại QL22, khu vực cầu vượt An Sương thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm vì lượng xe từ các huyện Hóc Môn, Củ Chi và tỉnh Tây Ninh đổ dồn về. Riêng đoạn qua địa phận huyện Hóc Môn, dù làn xe máy đã được tách riêng và có dải phân cách nhưng lại có rất nhiều ôtô lấn sang khiến đường càng thêm kẹt.
Tại khu vực cầu vượt Củ Chi hướng về Tây Ninh có rất nhiều xe container, xe ben, xe tải… chạy dồn dập. Thi thoảng có những xe lớn lấn sang làn xe hai bánh khiến những người đi xe máy phải tấp vào lề.
Chị Hoàng Anh, người dân gần khu vực BV huyện Củ Chi, cho biết con đường này rất hay xảy ra tai nạn giao thông. Nguyên nhân do ôtô, xe container… lấn làn xe máy và người điều khiển xe máy sơ ý va quẹt nên dễ bị cuốn vào gầm xe lớn.
Chị Hoàng Anh thông tin thêm sáng 13/9, trên QL22 thuộc địa bàn xã Phước Xuân đã có một vụ tai nạn giao thông. Theo đó, một người phụ nữ điều khiển xe máy đã va quẹt với một xe container lấn làn khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ.
Dự kiến năm 2023 hoàn thành
Về các dự án mở rộng những QL cửa ngõ này, theo ông Ninh, hiện UBND TP đã gửi các sở, ngành góp ý về phương án đầu tư. Đây là các dự án nhóm A nên cần phải được HĐND TP thông qua, nếu Ủy ban quyết sớm thì có thể trình để HĐND thông qua vào cuối năm 2019.
“Nếu được HĐND thông qua cuối năm nay thì quý II/2020 chúng tôi sẽ trình báo cáo nghiên cứu khả thi, quý II/2021 sẽ trình báo cáo chi tiết kỹ thuật. Nếu có mặt bằng sớm thì sẽ triển khai từ năm 2022 và đến 2023 là hoàn thành” - ông Ninh nói.
Ôtô lấn làn xe máy trên quốc lộ 22 đoạn qua địa phận huyện Hóc Môn. |
Ông Ninh cũng cho biết hiện chưa thể nói về các phương án chi tiết của việc mở rộng các tuyến này vì còn chờ UBND TP thông qua. Đồng thời, các phương án được xây dựng trước đây thì nay đã được cập nhật mới cho phù hợp với thực tế.
Theo Sở KH&ĐT TP, trong bốn tuyến QL dự kiến mở rộng thì có ba tuyến nằm trong danh mục dự án được kêu gọi đầu tư của Sở là QL22 (đường Xuyên Á), QL13 và QL50.
Theo kêu gọi đầu tư của Sở KH&ĐT, dự án mở rộng QL22 sẽ có vốn đầu tư hơn 9.500 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án mở rộng QL13 có mức đầu tư là 5.200 tỷ đồng. Còn dự án mở rộng QL51 có tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 1.100 tỷ đồng.
Riêng dự án mở rộng QL13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, Sở GTVT cho hay TP đang cùng tỉnh Bình Dương tiến hành các phương án bồi thường, giải tỏa để chuẩn bị khởi động xây dựng mở rộng tuyến này lên 10 làn xe.
Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT, cũng đánh giá một trong những khó khăn đối với TP.HCM là các đoạn QL50, QL22, QL13… qua địa bàn TP chưa được đầu tư nâng cấp theo đúng quy hoạch để đảm bảo điều kiện khai thác đồng nhất trên tuyến.
Cuối năm 2018, UBND TP đã đề xuất mở rộng QL22 đoạn đi qua TP.HCM lên 60 m (lộ giới quy hoạch 60 m và 120 m). Còn đoạn đi qua tỉnh Tây Ninh chỉ nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước theo bề rộng hiện hữu; xây dựng cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với hai đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25 m. Đối với cầu An Hạ, TP đề xuất mở rộng thêm 15 m mỗi bên của cầu hiện hữu.
Còn dự án mở rộng đoạn QL1A từ nút giao vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An dài khoảng 9,5 km, rộng khoảng 23-25 m, là nút thắt lớn ở cửa ngõ TP đi về miền Tây. Từ năm 2012, TP dự kiến mở rộng toàn đoạn này lên 36 m bằng hình thức BOT, tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn hai năm qua dự án buộc phải ngưng để xem xét, điều chỉnh lại hình thức đầu tư BOT.