Chiều 11/10, Thành ủy TP.HCM phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”.
Chuyên gia kiến nghị mở rộng về phía Long An
Tại hội thảo, Giáo sư - Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng TP.HCM là đô thị lớn của Việt Nam, cần có giải pháp nghiên cứu để xứng tầm quốc tế.
Đặc biệt, TP cần chú trọng vấn đề giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội cần liên kết vùng, phát triển vùng TP.HCM. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốt nhất để tạo thuận lợi cho việc đi lại.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Đ.L. |
Tuy nhiên, TP đang đối diện với nhiều khó khăn như bùng nổ dân số, hệ thống giao thông công cộng không hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng quá tải, tình trạng ngập, kẹt xe...
Ông Chính nhìn nhận, dù TP có làm tốt nhưng quản lý không tốt cũng khó mang lại hiệu quả cao. Cùng lúc đó, đất dành cho phát triển đô thị chưa tương xứng.
Để giải quyết, ông kiến nghị hai phương án mở rộng ranh giới thành phố thêm ít nhất 600 km2, đều lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh tự nhiên.
Một là gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức (Long An). Việc nới ranh này giúp có thêm tổng diện tích khoảng 48.000-50.000 ha, dân số khoảng 370.000-420.000 người.
Phương án hai gồm các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An), lấy thêm huyện Cần Đước và một phần huyện Bến Lức với diện tích khoảng 95 ha, dân số khoảng 650.000-700.000 người.
"Không nhà quản lý nào đề xuất chuyện này nhưng dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu độc lập, tôi nghĩ nên như thế. Hướng mở rộng về tỉnh Long An sẽ tạo điều kiện cho phía nam TP.HCM phát triển tốt", ông nói.
Mâu thuẫn phát triển không gian sống với phát triển kinh tế
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu phân tích TP.HCM là vùng sông nước, ven biển, nhiều người nhập cư. Tuy nhiên, hiện nay khâu yếu nhất là vấn đề thực thi pháp luật, trong đó có cả về thực thi quy hoạch.
Theo ông Châu, phát triển các khu đô thị mới thì hạ tầng giao thông là yếu tố đi trước, còn việc phát triển các dự án bất động sản phải đồng thời với chỉnh trang đô thị.
Kẹt xe là một trong những điều "ám ảnh" người dân TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án cao tầng mọc lên trong các đường nhỏ, thậm chí đường hẻm tập trung lượng người dân sinh sống đông đã gây quá tải hạ tầng đô thị.
Nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực cho rằng TP hiện nay đang có mâu thuẫn giữa không gian phát triển, không gian sống, với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Không xin thêm đất
Sau khi lắng nghe các phát biểu, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong quá trình hoàn thiện quy hoạch có 4 vấn đề phải giải quyết.
Thứ nhất, về quy hoạch tổng thể, phải có quy hoạch đô thị khu vực trung tâm và khu vực vệ tinh; quy hoạch gắn với giao thông, gắn với liên kết vùng.
Thứ hai, về chức năng và cơ cấu kinh tế, TP đề xuất hình thành khu đô thị sáng tạo phía đông. Đây là nơi có mật độ cao nhất về công nghiệp công nghệ cao, và về trí tuệ sáng tạo của TP.
TP.HCM không kiến nghị xin thêm đất để mở rộng địa giới hành chính. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Thứ ba, để giải quyết mâu thuẫn bài toán dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng kịp, trong quy hoạch TP phải có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn, giảm áp lực dân số đổ về TP.
Thứ tư, mô hình quản lý hành chính có sự phân hóa về diện tích và dân số, cách quản lý còn có sự phân biệt giữa quận và huyện. Do đó, TP nghiên cứu xác định lại cơ cấu quận, huyện để đảm bảo vận hành hợp lý hơn.
Diện tích huyện Cần Giờ (704 km2) gấp 140 lần quận nhỏ nhất (quận 4 - khoảng 5 km2), nếu Cần Giờ có 70.000 dân, thì các quận nội thành có tới 600.000 dân - hơn 8,7 lần. Chỉ tính riêng hai huyện Cần Giờ, Củ Chi đã có diện tích 1.139 km, dân số 900.000 người. Nghĩa là dân số 2 huyện này chỉ chiếm 10% nhưng diện tích chiếm 54%.
"Thành phố sẽ không kiến nghị xin thêm đất mà phải tính cách sử dụng cho tốt đất ở hai vùng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những đề xuất của các chuyên gia để góp phần hoàn thiện quy hoạch TP.HCM", ông Nhân nói.