Bộ GTVT vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng 2030. Ngoài các hạng mục điều chỉnh quy hoạch chi tiết như khu bay, đường lăn, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… thì giao thông nội bộ và các trục kết nối với CHK Tân Sơn Nhất cũng được đưa vào bản quy hoạch chi tiết.
Xây, mở rộng nhiều đường dưới đất và trên cao
Về giao thông kết nối, sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu đồng thời quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (qua các đường Phan Thúc Duyện, 18E, C2 và C12) với quy mô 4-6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô bốn làn xe; mở rộng đường 18E với quy mô 4-6 làn xe.
Bổ sung cầu vượt đoạn từ đường Phan Thúc Duyện (gần Công viên Hoàng Văn Thụ) qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng đá Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm TP đến nhà ga hành khách T3.
Dòng xe kẹt cứng trên đường Trần Quốc Hoàn, đoạn qua Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) vào giờ cao điểm. |
Bổ sung tuyến đường trên cao từ nhà ga quốc tế T2 qua nhà ga quốc nội T1 theo hướng đường Thăng Long ra tới đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và một nhánh đi qua Công viên Hoàng Văn Thụ xuống đường Hoàng Văn Thụ. Bổ sung nút giao thông khác giữa tuyến đường trục nối Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với đường Cộng Hòa, Trường Chinh.
Về đường nội bộ, ở phía nam quy hoạch xây dựng các tuyến đường nội bộ kết nối với trục giao thông bên ngoài và nội bộ khu nhà ga hành khách T3 với quy mô 2-6 làn xe. Phía bắc sử dụng ba đường hiện hữu để kết nối khu dịch vụ hàng không với đường Tân Sơn và đường Quang Trung được nâng cấp, mở rộng theo nhu cầu khai thác.
Về hệ thống sân đỗ ôtô, bổ sung sân đỗ ôtô phục vụ nhà ga hành khách T3 (sân đỗ ôtô thông thường và nhà xe nhiều tầng), quy hoạch các luồng ra vào phù hợp với diện tích đất mở rộng và phân kỳ đầu tư xây dựng theo nhu cầu.
Cũng theo điều chỉnh quy hoạch này, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất xây dựng theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E (tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I với 160 vị trí đỗ. Sản lượng vận chuyển đạt 50 triệu khách mỗi năm.
Lo ngại ùn tắc khu phía nam
Ngày 21/9, KS Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn xây dựng đường sắt Metro, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng việc tổ chức giao thông kết nối với CHK Tân Sơn Nhất nêu trong quy hoạch chi tiết trên sẽ gây áp lực lên các tuyến đường phía nam sân bay, đặc biệt là tại Công viên Hoàng Văn Thụ. Đồng thời việc mở rộng các làn đường mới về phía Nam rất tốn kém vì phải giải phóng mặt bằng.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, cũng nhận xét với quy hoạch chi tiết trên, toàn bộ khách qua các nhà ga hành khách ở phía nam sân bay để thoát ra cung đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ vốn thường rất đông xe cộ thì nguy cơ tiếp tục gây ùn tắc giao thông khu vực phía nam.
Ông Tống giải thích việc tập trung nhà ga ở phía nam sân bay giúp khách đi lại thuận tiện bên trong sân bay nhưng khi vào ra sân bay sẽ bất tiện vì thường bị kẹt xe.
“Hành khách vào ra hai nhà ga cũ T1, T2 vẫn chủ yếu theo đường Trường Sơn luôn bị kẹt xe. Còn hành khách vào ra nhà ga mới T3 ở phía tây nam đi qua trục thứ nhất (đường C12) và trục thứ hai (đường Hoàng Hoa Thám và hẻm 22 Cộng Hòa) sẽ tiếp tục làm tắc nghẽn giao thông ở cung đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ”, ông Tống nói.
Ngoài ra, theo ông Tống, khách đến sân bay không chỉ là người dân từ trung tâm TP.HCM mà còn từ các vùng ngoại thành và các tỉnh Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên nên nếu chỉ kết nối giao thông khu vực phía nam thì hành khách vào sân bay sẽ tốn thời gian đi qua khu vực trung tâm và làm tăng thêm nguy cơ ách tắc giao thông.
250 ha là diện tích tăng thêm sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Tân Sơn Nhất do Bộ GTVT phê duyệt. Cụ thể, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng), tăng gần 250 ha so với diện tích cảng hiện hữu (545 ha). Phần diện tích tăng thêm gồm diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ gần 20 ha; diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng hơn 18 ha; diện tích đất quy hoạch bổ sung phía nam hơn 35 ha; diện tích đất bổ sung phía bắc hơn 171 ha.
Sân bay Phan Thiết có thể đón tới 2 triệu khách/năm
Bộ GTVT vừa công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng năm 2030. Theo đó, CHK Phan Thiết được thiết kế theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp I; là CHK nội địa có hoạt động bay quốc tế với sáu vị trí đỗ máy bay. Tổng nhu cầu sử dụng đất của CHK Phan Thiết là 550,56 ha.
CHK Phan Thiết được thiết kế với công suất 2 triệu khách/năm. Theo đó, đến năm 2020 chuẩn bị các thủ tục và thực hiện đầu tư; định hướng đến năm 2030 duy trì, sửa chữa đảm bảo khai thác có hiệu quả. Theo đó, ngoài các công trình khu bay, sân đỗ, đường lăn, nhà ga hành khách… sẽ xây dựng mới đường trục vào cảng với quy mô sáu làn xe, xây dựng các tuyến đường kết nối với đường trục.