Ông Hoan cho biết nếu địa phương có đủ ngân sách thì sẽ tự xây dựng dự án, sau đó mới cho đấu thầu và chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu vốn, BOT phần lớn do nhà đầu tư đề xuất.
“Nhà đầu tư đề xuất thì chắc chắn sẽ có lợi cho họ nhiều hơn. Mà điều này theo đúng quy định của pháp luật chứ không làm sai được. Đó là bài học kinh nghiệm”, Chánh văn phòng UBND TP.HCM nói.
Ông Hoan cho biết thành phố đang nghiên cứu để thành lập một quỹ chuẩn bị cho dự án BOT. Quỹ này sẽ "bơm tiền" để nghiên cứu dự án trước chứ không giao hết cho nhà đầu tư như hiện nay.
Theo ông Võ Văn Hoan, hạn chế của các dự án BOT hiện nay là lỏng lẻo trong khâu giám sát, thi công. Việc thu phí dựa trên ước lượng số năm thu hồi vốn cũng ẩn chứa nhiều bất cập.
Dự án BOT cầu Phú Mỹ, một trong 6 dự án BOT sai phạm của TP.HCM. Ảnh: Lê Quân - Trương Khởi. |
“Do việc dự đoán lưu lượng xe chỉ mang tính tương đối nên nhiều dự án dự kiến thu trong 20 năm nhưng sau 17 đã hoàn vốn, 3 năm còn lại nhà đầu tư hưởng lợi rất lớn”, ông Hoan cho hay.
Theo ông Hoan, người Nhật đã tính toán và kiểm soát bằng hệ thống quản lý điện tử, nhưng ở Việt Nam rất khó vì qua BOT vẫn dùng tiền mặt. Bộ GTVT đã yêu cầu gắn trạm thu phí điện tử nhưng có nơi làm, có nơi chậm chạp.
Chánh văn phòng UBND TP cho rằng ngay cả mua lại BOT thì chúng ta cũng phải có giải pháp để quản lý và thu hồi vốn. “Các bạn hỏi có ngừng BOT không, tôi xin nói không thể ngừng BOT được. Vì đó là nhu cầu phát triển trong khi nguồn lực Nhà nước không đủ để bỏ ra làm cầu, làm đường. Ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản cũng vẫn phải áp dụng hình thức này”, ông Hoan khẳng định.
Theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ, UBND TP.HCM đã chọn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư dự án cầu Phú Mỹ dù hồ sơ chuẩn bị đầu tư của doanh nghiệp này thiếu phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn, tức được lựa chọn khi chưa rõ năng lực nhà đầu tư. Ảnh: Lê Quân. |
Cuối tháng 8 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật với 6 dự án đầu tư BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TP.HCM. Các công trình này gồm: Cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; xa lộ Hà Nội; cầu Bình Triệu 2; đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra hầu hết dự án BOT này đều chậm tiến độ, từ đó dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư. UBND TP.HCM đã thiếu trách nhiệm dẫn đến hợp động BOT sai quy định, tổng vốn đầu tư tăng sai, sai sót trong khâu thẩm định.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP.HCM xử lý gần 2.200 tỷ đồng tiền sai phạm. Đồng thời, cơ quan này cũng kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với UBND TP.HCM, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Dương đã vi phạm các quy định pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã giao nêu trong kết luận thanh tra.