Trong ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, có bài tham luận với chủ đề "Chiến lược phát triển ngành văn hóa và thể thao thành phố đến năm 2035". Tham luận nêu nhiều định hướng xây dựng các công trình văn hóa trong tương lai.
Đầu tư công nhiều công trình văn hóa trọng điểm
Ông Thuận cho biết TP.HCM sẽ đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa và thể thao. Sắp tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục về pháp lý dự án để triển khai các công trình trọng điểm mang tính biểu tượng của thành phố theo hình thức đầu tư công.
Đó là dự án nhà hát giao hưởng, nhạc - vũ kịch; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; Bảo tàng TP.HCM; Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ; Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao thành phố; Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng; Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng TP.HCM tại huyện Cần Giờ; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống…
Khu đất dự kiến xây dựng khu thể thao Rạch Chiếc (quận 2). Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong năm 2020, khởi công xây dựng mới 3 công trình là Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư trên 10 dự án theo hình thức xã hội hóa, đối tác công tư. Trong đó có các dự án trọng điểm như: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, các dự án trong Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc.
Tại Rạch Chiếc sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp và thi đấu Futsal, sân vận động 50.000 chỗ có bố trí đường chạy điền kinh, học viện bóng đá…
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết các dự án này hiện nay đều vướng mắc về cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua vào ngày 18/6 quy định lĩnh vực văn hóa, thể thao không thuộc đối tượng được áp dụng thực hiện.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất TP.HCM tiếp tục tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao tương xứng với tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ưu tiên đầu tư công có trọng điểm các thiết chế văn hóa, thể thao lĩnh vực chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa, thể thao thành phố.
Ngoài ra, cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa và thể thao thành phố thực hiện những bước đột phá mới.
Chưa có khu liên hợp thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn
Ông Thuận cũng cho biết thành phố đã và đang xây dựng đề án "Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM đến năm 2035" và đề án "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030".
Sở Văn hóa và Thể thao kỳ vọng công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực phát triển 8 lĩnh vực gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; du lịch văn hóa; thời trang. Phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực cho GRDP của thành phố và tạo nhiều việc làm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Vị trí xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Trước đó, ông Thuận đánh giá sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao của thành phố còn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm phai nhạt dần các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
So sánh với vị trí trung tâm và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân thành phố thì còn nhiều vấn đề cần phải nỗ lực thực hiện. Trong những năm qua, nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và thể thao chưa ngang tầm với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và vị trí đặc biệt của thành phố.
TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao còn rất hạn chế, hầu hết cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao chưa đủ sức hội nhập quốc tế. Cơ sở vật chất chủ yếu là những công trình được xây dựng từ hơn chục năm qua.
Số lượng các công trình thể dục thể thao tính trên đầu người của TP.HCM là thấp nhất trong các thành phố trực thuộc trung ương. Hiện tại có 15 công trình thi đấu đạt chuẩn quốc tế, khoảng 1,5 công trình/vạn dân.
Thành phố hiện cũng chưa có một trung tâm văn hóa, một khu liên hợp thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn để tổ chức phục vụ các chương trình có quy mô lớn theo yêu cầu hội nhập quốc tế.